Lý do người dân cần làm CCCD gắn chip trong năm 2022

Theo Bộ Công an, sau 1/1/2023,người dân đủ điều kiện mà vẫn chưa làm CCCD gắn chip sẽ có thể gặp khó khăn trong thực hiện các giao dịch.

Theo tin tức từ Pháp luật TP HCM, giữa tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chậm nhất ngày 30/9 hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip theo yêu cầu của công dân có đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy bắt đầu từ ngày 1/1/2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi).

Luật Cư trú năm 2020 quy định kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Khi thực hiện các thủ tục về cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú…), thông tin của người dân sẽ được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì sổ giấy.

Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) mới đây hướng dẫn bảy phương thức thay thế cho sổ hộ khẩu, trong đó có việc sử dụng CCCD gắn chip.

Lý do người dân cần làm CCCD gắn chip trong năm 2022 Ảnh minh họa

Theo hướng dẫn, công dân có thể sử dụng CCCD là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Khi công dân xuất trình CCCD theo yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

Cùng với đó, công dân, cơ quan, tổ chức có thể sử dụng thiết bị đọc QR code theo tiêu chuẩn do Bộ TT&TT ban hành, tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ QR Code trên CCCD.

Do đó, khi sổ hộ khẩu giấy bị “khai tử”, CCCD gắn chip chính là loại giấy tờ thay thế để người dân sử dụng khi thực hiện các giao dịch cá nhân. Điều này đồng nghĩa người dân cần làm CCCD gắn chip càng sớm càng tốt, nhằm đảm bảo quyền lợi của chính bản thân.

Có thể nói, sau ngày 1/1/2023, trường hợp đủ điều kiện mà vẫn chưa làm CCCD gắn chip sẽ có thể gặp khó khăn trong thực hiện các giao dịch, bởi thời điểm này sổ hộ khẩu đã bãi bỏ, không còn hiệu lực.

Ngoài ra, CCCD gắn chip cũng có rất nhiều lợi ích mà người dân cần biết để hoàn thành sớm. Theo đó, trên báo Thanh Niên đưa tin thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói trong buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế hồi tháng 7 rằng người dân nên  đổi sang CCCD gắn chip vì 3 lý do:

Thứ nhất, CCCD gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, tránh được giả mạo, thuận lợi cho giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Anh - Việt. Khi giao dịch với người có thẻ CCCD gắn chip sẽ yên tâm hơn, tránh được các trường hợp lừa đảo, giả mạo, dùng giấy tờ giả để vi phạm pháp luật.

Thứ 2, chỉ có CCCD gắn chip thì người dân mới tạo được tài khoản định danh điện tử, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian đi lại… mà CCCD mã vạch không thực hiện được. Mặt khác, trong thời gian tới, CCCD gắn chip ngày càng tích hợp được nhiều tính năng tiện ích như rút tiền, khám chữa bệnh…

Thứ 3, việc làm CCCD gắn chip chính là hành động giúp TP.HCM, ngành công an và Chính phủ hoàn thành đề án 06, xây dựng chính phủ số, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, làm giàu dữ liệu cho các ngành...

Ông Hà cho biết, mã số CCCD mã vạch hoặc gắn chip không thay đổi, đó cũng chính là mã số định danh cá nhân nên việc đổi CCCD không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác.

Luật CCCD năm 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD. Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.