Khôi hài câu chuyện HLV ở V-League và ĐTQG

Nhiều người hy vọng ông Hoàng Anh Tuấn sau khi “chữa cháy” vài trận cho đội U23 Quốc gia sẽ tiếp tục giữ vị trí HLV của đội tuyển, nhưng không, ông đã nhanh chóng trở về với bóng đá trẻ. Chiếc ghế HLV các đội tuyển quốc gia và U23 vẫn sẽ là dành cho các HLV ngoại.

 - Bóng Đá

 HLV Hoàng Anh Tuấn rời ghế U23 Việt Nam ngay sau VCK châu Á.

Người ta giải thích điều này là bởi không có HLV nội nào mong muốn nhận vị trí ấy, do áp lực quá cao, về phía VFF cũng không tính dùng đến “người mình” bởi lịch sử cho thấy chưa có HLV nội nào thực sự thành công với đội tuyển.

Tuy thế, hãy nhìn về V-League, chúng ta lại thấy một sự trái ngược rõ ràng. Ở giải đấu cao nhất cấp CLB của nước ta, số lượng HLV ngoại thành công kém hẳn so với HLV nội, “lên đỉnh” V-League tính ra chỉ có vài ba người mà thôi, còn lại trong hai mươi năm phát triển, HLV nội chiếm ưu thế.

Người ta cũng giải thích cho lý do này bởi các nguyên nhân dễ thấy, như HLV nội quen thuộc với nền bóng đá, hiểu rõ và có uy với các cầu thủ.

Như vậy, có thể thấy rõ điều nghịch lý. Ở cấp ĐTQG, không lẽ không cần một HLV hiểu về cầu thủ, hiểu về nền bóng đá hay sao? Và mặt khác, ở cấp CLB, vị trí HLV không lẽ không tồn tại áp lực gì hay sao?

 - Bóng Đá

 Ông Troussier không phải trường hợp HLV ngoại đầu tiên bị chấm dứt hợp đồng.

Trên thực tế, chính vì được xem là không hiểu rõ về các cầu thủ mà HLV Philippe Troussier đã không thể kết thúc hành trình ở ĐTQG một cách suôn sẻ như vừa qua. Còn ở cấp CLB, số lượng HLV bị cho thôi việc là không ít, ngoài áp lực từ cổ động viên, họ còn bị áp lực từ ông bầu, giới chủ và chính từ các học trò, người nắm ba chân của chiếc ghế nóng.

Như vậy, các cách giải thích cho việc chuộng HLV ngoại ở đội tuyển và ưa HLV nội ở V-League như đã nói ở trên đều có vấn đề, nếu không muốn nói là nó không đúng.

Rõ ràng cách chọn thuyền trưởng ở một đội bóng không nên liên quan đến quốc tịch của họ, cái cần thiết nhất chỉ có một, là trình độ và khả năng cầm quân của người đó ra sao, tương ứng với tiền lương và mức độ kỳ vọng được đặt ra.

Chọn một người dẫn dắt đội tuyển chỉ vì họ không biết tiếng Việt, khó có thể bị áp lực dư luận đè nặng là một quan điểm sai lầm.

Muốn tránh đi áp lực, cần đặt rõ mục tiêu ngay từ đầu, nội dung hợp đồng thương thảo cần chặt chẽ, quy định rõ về thành tích cần đạt cũng như các vấn đề liên quan.

Nếu như HLV bị áp lực dư luận nhưng nhận thấy đội tuyển vẫn đi đúng lộ trình, thì VFF cần phải san sẻ áp lực đó, bảo vệ được người mình chọn, kết quả cuối cùng phải là điều gì đó tốt cho cả nền bóng đá, chứ không phải là cố chọn một thứ “an toàn”.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)