'Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình': Nửa câu sau vừa thấm thía vừa đau lòng

Ngoài cha mẹ, anh chị em ruột thịt là người gắn bó nhất với chúng ta, thế nhưng khi cha mẹ không còn nữa, anh em nếu không khéo léo cũng trở thành 'người dưng'.

Có một câu nói khiến nhiều người giật mình suy ngẫm: “Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình. Khi cha mẹ mất, chúng ta chỉ còn là người thân”. Mới nghe qua, chúng ta sẽ thấy thật bi quan và chua chát, nhưng câu nói ấy lại phản ánh một thực tế đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, đó là sự rạn nứt hoặc xa cách giữa anh chị em ruột thịt sau khi cha mẹ qua đời.

Từ ngàn đời nay, đặc biệt ở các nước Á Đông như Việt Nam, cực kỳ đánh giá cao mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình là nền tảng vững chắc của đời sống xã hội. Trong các gia đình truyền thống, hình ảnh ông bà, cha mẹ và con cháu sống quây quần dưới một mái nhà tượng trưng cho sự đùm bọc, yêu thương và gắn bó keo sơn. Mối quan hệ giữa anh chị em ruột chính là sự gắn bó keo sơn của những người chung máu mủ với nhau.

“Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình. Khi cha mẹ mất, chúng ta chỉ còn là người thân”.
“Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình. Khi cha mẹ mất, chúng ta chỉ còn là người thân”.

Thế nhưng xã hội ngày càng phát triển sẽ càng ảnh hưởng tới gia đình, cấu trúc gia đình dần thay đổi. Con cái lớn lên, lập nghiệp xa quê, mỗi người một vùng miền, thậm chí một quốc gia. Cuộc sống riêng cuốn mỗi người được cuốn theo những lo toan cá nhân. Và rồi khi cha mẹ – người giữ vai trò kết nối tình cảm gia đình – không còn nữa, mối dây gắn kết giữa anh chị em cũng dần mờ nhạt theo thời gian.

Cha mẹ không chỉ là người sinh ra, nuôi dưỡng con cái, mà còn là điểm tựa tinh thần lớn nhất của mọi đứa con. Khi họ còn sống, cha mẹ chính là nơi để về, những dịp tụ họp gia đình luôn có lý do rõ ràng, là giỗ chạp, là lễ Tết, là những lần về thăm cha mẹ. Sự có mặt của cha mẹ là chất keo vô hình giúp các con giữ mối liên hệ và nhường nhịn lẫn nhau. Trở về với cha mẹ, các con sẽ cảm thấy quay quần, bình an, hạnh phúc, anh chị em cũng nhờ đó mà gắn bó.

Nhưng khi cha mẹ qua đời, không ít gia đình rơi vào cảnh “mỗi người một ngả”. Không còn cha mẹ, con cái cũng mất nơi để về. Những bữa cơm sum họp thưa dần, những cuộc điện thoại trở nên hiếm hoi. Một số người chỉ còn giữ liên lạc với nhau trong những dịp đặc biệt, còn có khi cả năm chả hỏi thăm nhau lần nào. Cha mẹ mất đi, mối quan hệ tự nhiêu thiếu đi sức nặng để an hem gắn kết. Lúc đó, họ hầu như thuộc về gia đình riêng của mình hoàn toàn.

Thậm chí, trong một số trường hợp, mối quan hệ anh chị em trở nên rạn nứt khi xảy ra tranh chấp về tài sản Những mâu thuẫn từng bị cha mẹ dàn xếp giờ không còn ai hóa giải, lại bùng lên thành xung đột lớn. Lúc này mỗi đứa con chỉ nghĩ tới lợi ích của mình mà thôi.

Cha mẹ không chỉ là người sinh ra, nuôi dưỡng con cái, mà còn là điểm tựa tinh thần lớn nhất của mọi đứa con
Cha mẹ không chỉ là người sinh ra, nuôi dưỡng con cái, mà còn là điểm tựa tinh thần lớn nhất của mọi đứa con

Thế nhưng không phải mối quan hệ nào cũng xấu đi. Vẫn có những anh chị em sau khi cha mẹ qua đời lại càng trân trọng nhau hơn, tự ý thức gìn giữ sợi dây tình thân còn lại. Tất cả sự gắn bó này bắt nguồn từ cách cha mẹ đã giáo dục và vun đắp mối quan hệ giữa các con khi họ còn sống. Một người cha, người mẹ khéo léo, công bằng, không thiên vị, biết dạy con yêu thương và nhường nhịn nhau sẽ để lại một nền tảng tinh thần vững chắc, khiến anh chị em không dễ gì rạn nứt dù hoàn cảnh có thay đổi.

Câu nói “Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình. Khi cha mẹ mất, chúng ta chỉ còn là người thân” không mang hàm ý tiêu cực chia rẽ tình cảm anh em, mà là lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Nó nhắc nhở mỗi người phải biết giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong nhà.

Dù thời gian có làm phai nhòa nhiều điều, thì một gia đình gắn bó vẫn có thể được duy trì nếu các thành viên biết đặt yêu thương và lòng vị tha lên trên cái tôi cá nhân. Bởi hơn ai hết, chính anh chị em là người từng chứng kiến, từng đi qua những năm tháng tuổi thơ cùng nhau – thứ mà không ai ngoài cuộc có thể thay thế.