Mới đây, trong kỳ điều hành ngày 11/7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 về 27.780 đồng (giảm 3.110 đồng), xăng RON 95-III là 29.670 đồng (giảm 3.090 đồng) một lít.
Không chỉ điều chỉnh giá xăng mà giá dầu cũng được điều chỉnh mạnh như dầu diesel là 26.590 đồng một lít, giảm 3.020 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 26.340 đồng, giảm 2.010 đồng. Dầu mazut cũng hạ về 18.920 đồng một kg, giảm 800 đồng.
Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành cũng đã quyết định trích mỗi lít xăng 950 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 550 đồng một lít, dầu hỏa 800 đồng và dầu mazut trích 950 đồng một kg.
Nếu cơ quan điều hành không trích lập, giá xăng đã có thể giảm tới 4.040-4.060 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới hơn 3.500 đồng/lít.
Cũng trong kỳ điều hành này, giá xăng E5 RON 92 đã giảm 10,07%, xăng RON 95 giảm 9,43%; dầu diesel giảm 10,19%. Thế nhưng, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm của thế giới.
Dữ liệu của cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành ngày 11/7 giảm 11,8-12,9% so với kỳ trước. Cụ thể xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) còn 128,7 USD/thùng, giảm 12,9%; xăng RON 95 còn 136,5 USD/thùng, giảm 11,8%; dầu diesel còn 146,7 USD/thùng, giảm 12,3%...
Chính việc trích quỹ bình ồn này ở mức cao trong kỳ điều chỉnh này là một trong những nguyên nhân khiến mức giảm giá xăng trong nước thấp hơn so với thế giới. Cơ quan điều hành lý giải quỹ bình ổn đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp đã bị âm.
Trên thực tế việc giảm mạnh giá xăng dầu thành phẩm thế giới cũng áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7 được xem tạo ra dư địa để cơ quan điều hành trích lập vào quỹ bình ổn. Vì vậy, liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định mạnh tay trích lập quỹ bình ổn sau nhiều kỳ dừng trích lập, khiến cho giá xăng dầu không có cơ hội để giảm ở mức dự báo và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo cơ quan điều hành, việc giảm giá xăng hơn 3.000 đồng/lít nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.