Chứng kiến người bệnh ung thư phải bỏ hơn trăm triệu đi nước ngoài, bác sĩ và kỹ thuật viên của của Bệnh viện Chợ Rẫy quyết tâm tự điều chế thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư.
[caption id="" align="aligncenter" width="960"] Bệnh nhân u thần kinh nội tiết được chụp PET/CT với thuốc phóng xạ Ga-68 Dotatate. Ảnh: Duy Hiệu.[/caption]
Một giờ sau khi được tiêm thuốc Ga-68 Dotatate, một bà cụ chậm rãi bước vào phòng PET/CT để chụp theo dõi kết quả điều trị. Bà cụ 75 tuổi, đã điều trị u thần kinh nội tiết trong gần 2 năm và mới phẫu thuật xử lý khối u. Sau mổ, để xác định kết quả điều trị, cụ bà chụp PET/CT có sử dụng thuốc Ga-68 Dotatate tại khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nếu như trước đây, những bệnh nhân mắc u thần kinh nội tiết như bà phải ra nước ngoài, mất khoảng phí không hề nhỏ mới có thể chụp PET/CT, thì giờ đây, họ đã có thể đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Ga-68 Dotatate và Ga-68 PSMA, 2 loại thuốc chỉ điểm phóng xạ mới được khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, điều chế và đưa vào sử dụng ngày 7/11 đã mang đến cho bệnh nhân ung thư cơ hội mới.
Loại thuốc không thể nhập về
Theo chia sẻ, TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, cho biết chụp PET/CT với thuốc Ga-68 PSMA trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt và chụp PET/CT với thuốc Ga-68 Dotatate trong u thần kinh nội tiết giúp chẩn đoán mang lại độ chính xác cao nhất.
“Mới đây, sát thời điểm khoa ra mắt thuốc, một bệnh nhân của chúng tôi đã phải sang Singapore để chụp PET/CT với thuốc này. Tổng chi phí chỉ riêng chụp đã lên tới 100 triệu đồng”, TS Cảnh nhớ lại.
Nếu so sánh chi phí chụp PET/CT trong nước, con số này cao hơn gần gấp 4 lần. Với chuyên gia này, việc bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị khi trong nước chưa đáp ứng được là nỗi trăn trở, là động lực khiến ông và cộng sự thúc đẩy điều chế để thuốc ra mắt sớm. Do đó, việc khoa Y học hạt nhân điều chế được 2 loại thuốc mới không chỉ tạo điều kiện cho người mắc ung thư tiếp cận phương pháp chẩn đoán mới trên thế giới mà quan trọng hơn cả là tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.
[caption id="" align="aligncenter" width="1920"] Kỹ sư vật lý hạt nhân Nguyễn Tấn Châu và kỹ sư hóa phóng xạ Nguyễn Thị Phương Nam đang phụ trách điều chế thuốc 2 loại thuốc Ga-68 Dotatate và Ga-68 PSMA. Ảnh: Duy Hiệu.[/caption]
Trước đó, Cục Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép sử dụng 2 loại thuốc này từ năm 2016 đối với Ga-68 Dotatate và từ năm 2020 đối với Ga-68 PSMA. Theo thạc sĩ, sĩ kỹ sư Nguyễn Tấn Châu, khoa Y học hạt nhân, thuốc Ga-68 PSMA đã có trong quy định về Danh mục thuốc hiếm của Bộ y tế nhưng Việt Nam chưa điều chế được thuốc.
Trước đây, nếu muốn sử dụng phương pháp này, bệnh nhân phải ra nước ngoài để thực hiện với chi phí cao. Tại Việt Nam, 2 loại thuốc này cũng không thể nhập về vì có chu kỳ bán rã rất ngắn, chỉ trong vòng 68 phút.
Do đó, khoa Y học hạt nhân chỉ điều chế thuốc khi có bệnh nhân có nhu cầu. Thuốc được điều chế trong vòng 30 phút, mỗi lần 2-4 liều. Sau khi điều chế, thuốc phải được tiêm vào cơ thể bệnh nhân gần như ngay lập tức để tránh mất tác dụng.
Chuyên gia này cũng cho hay đây chính là lý do để khoa quyết tâm tự sản xuất Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate phục vụ người bệnh ngay tại bệnh viện. Hai loại thuốc này lần đầu tiên được khoa Y học hạt nhân điều chế thành công và đưa vào sử dụng ngày 7/11.
3 năm để thành hiện thực
Kỹ sư Châu khiêm tốn chia sẻ việc điều chế thuốc không quá khó vì công thức đều đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm, hệ thống nhân lực cũng như thiết bị điều chế khiến việc chế tạo 2 loại thuốc này ở Việt Nam mất nhiều thời gian.
“Năm 2021, khoa Y học hạt nhân bắt đầu nhập máy móc để điều chế thuốc. Song do vướng dịch Covid-19, quy trình làm hồ sơ hành chính kéo dài nên phải đến tháng 10 năm nay, nguyên vật liệu điều chế thuốc mới được nhập về”, anh cho biết. Trong quá trình điều chế thuốc, để tránh bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, các dược sỹ, kỹ sư đều phải đứng sau tấm chắn dày thao tác và nhìn qua một lớp kính để đảm bảo phóng xạ không gây hại đến mắt và cơ thể.
[caption id="" align="aligncenter" width="1920"] TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh nói về trăn trở và thành tựu của khoa Y học hạt nhân. Ảnh: Duy Hiệu.[/caption]
Theo đó, sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc và chụp PET/CT, thuốc hoạt động trong cơ thể sẽ làm nổi bật các tế bào ung thư đang hoạt động dù là nhỏ nhất, giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác tình trạng của bệnh nhân.
Trước khi thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate được điều chế thành công, bác sĩ có thể chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị ung thư bằng nhiều phương pháp hình ảnh khác chung cho nhiều loại ung thư.
Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate khi chụp PET/CT, bác sĩ có thể chẩn đoán, đánh giá đáp ứng sinh học chuyên biệt cho 2 loại bệnh này (ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết) “Nếu các phương pháp khác chỉ có thể chụp hình cấu trúc khối u, phương pháp này có thể giúp chúng tôi xác định tình trạng, mức độ hoạt động sinh học của khối u”, tiến sĩ Cảnh nói.
Do đó, sử dụng thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate khi chụp PET/CT, giúp các bác sĩ chẩn đoán giai đoạn bệnh của người bệnh, đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi tái phát, phát hiện di căn và biết được tình trạng kháng trị sẽ rõ ràng hơn khi so với những phương pháp chẩn đoán hiện nay.
Tính đến ngày 8/12, sau một tháng đưa vào sử dụng thuốc, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chụp PET/CT để phục vụ đánh giá, theo dõi điều trị cho 12 bệnh nhân chẩn đoán u nội tiết thần kinh và 15 bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Theo Linh Thùy (znews) - Ảnh: T.H