Giới thiệu thơ: “Tiếng vọng hồn sông núi”- Tiếng gọi thiêng liêng đến từ hai chữ: “Quê hương”

Với tập thơ gồm 70 bài thơ, phân ra thành 3 chương riêng biệt, có thể cảm nhận được sự tinh tế, trau chuốt của tác giả đối với đứa con tinh thần, đó là tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành.

Có lẽ người dân cả nước, người yêu thơ không khỏi ngạc nhiên khi biết tác giả tập thơ chất chứa nhiều cảm xúc da diết về quê hương, đó chính là nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình!

image3-1627978513.jpg
Tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (bí danh: Sáu Đạt, sinh ngày 13/4/1955) là một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước,… Ông từng là Trung tướng- Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND Tối cao, rồi là Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng…

image2-1627978512.jpg
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm mẹ VNAH ở quê nhà Cần Giuộc- Long An nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Đọc qua tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”, có thể thấy được tấm lòng của một nhà thơ gửi gắm tâm tư tình cảm tốt đẹp dành cho vùng đất Long An nói riêng, quê hương Việt Nam nói chung. Hầu hết nội dung các bài thơ đã đi xuyên qua nhiều địa phương trên cả nước, và cả những quốc gia mà tác giả đã đặt chân đến,… tương tự một hành trình dài được ghi lại bằng thơ. Như lời bạt của nhà thơ Thanh Thảo (Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam) nhận xét, thơ của tác giả Trương Hòa Bình có lúc như nhật ký, lúc lại như hồi ký, cũng có lúc trải ra bát ngát như một bản trường thiên, từ cực Bắc Lũng Cú tới Cực Nam đất Mũi Cà Mau đều in đậm dấu chân vị chính khách này…

image1-1627978512.jpg
Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình là tác giả tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”.

Có thể điểm qua đó là tác phẩm: Vàm Cỏ Phước đông miền Hạ Long An, Nhớ Sài Gòn, Phải lòng Tây Bắc, Láng Sen- Miền thượng, Điện Biên mùa chớm thu, Hà Tĩnh núi ngàn xanh biếc, Đà Nẵng đêm pháo hoa,... dưới mỗi tác phẩm thơ, tác giả ghi rất rõ thời gian sáng tác, trong đó thể thơ lục bát chiếm phần lớn, nhưng với nhiều cảm xúc, tác giả còn thể hiện tình cảm qua nhiều thể thơ khác, từ tự do đến ngũ ngôn, lục ngôn...

Bên cạnh yếu tố ngợi ca quê hương, tình yêu quê hương,… tác giả còn dựa trên những truyền thuyết tương tự, hay những câu chuyện cổ tích vùng miền mà tác giả nghiên cứu hoặc sưu tầm. Những bài về Hòn Vọng Phu, Trương Chi, Thác Bản Giốc, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoa Dã quỳ, Suối cá thần… rồi đến hình ảnh của những con sông gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ, các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, khu vực ĐBSCL, như: Vàm Cỏ- Phước Đông- miền hạ Long An, Đầm Thị Tường, Phương Nam có một bài ca,… những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những dòng sông chở phù sa cuồn cuộn, những thôn ấp yên bình dưới những bóng dừa, đẹp như những bức tranh…

Chẳng những thế, người yêu thơ không khỏi vỡ òa dòng cảm xúc khi tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình còn có những tác phẩm được phổ nhạc như: Vàm cỏ- Phước Đông miền hạ, Mẹ Thứ, Hưng Yên ngày tôi đến, Huệ đỏ,… 

Xin mượn 04 câu thơ kết trong bài “Vàm cỏ- Phước Đông miền hạ” để thay lời kết cho bài viết: “…Khu công nghiệp cảng Phước Đông/ Quê hương rực sáng nắng hồng đã lên/ Trời xanh cánh én chao nghiêng/ Long An khúc hát thanh bình ngày xuân…”.