Bóng đá Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng trong những năm gần đây. Kể từ khi HLV Park Hang Seo xuất hiện vào năm 2017, các cấp độ đội tuyển Việt Nam đều đã gặt hái được những thành công vang dội, cả ở trong khu vực lẫn đấu trường châu lục.
Trước thời điểm đó, bóng đá Việt Nam khá mờ nhạt trên bản đồ bóng đá thế giới khi xếp hạng 134 trên BXH FIFA, đứng ngoài Top 20 châu Á. Hiện tại, vị thế của ĐT Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt với vị trí thứ 96 thế giới và hạng 16 châu lục - theo công bố gần nhất của FIFA vào ngày 31/3/2022.
Mới đây, tại Trụ sở VFF, Tổng cục TDTT đã chủ trì một cuộc Hội thảo khoa học về phát triển ĐTQG Việt Nam và cá nhân cầu thủ, HLV. Trong đó, lãnh đạo cấp cao đề ra mục tiêu phương hướng phát triển mới cho "Những chiến binh Sao Vàng" và trong thời gian tới.
Cụ thể về mục tiêu và tầm nhìn, từ năm 2023 đến 2025, ĐT Việt Nam phấn đấu vào top 8 châu Á cũng như góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup 2026. Năm 2026 và 2030, ĐT Việt Nam phấn đấu dự VCK World Cup cũng như vào top 7 châu Á. ĐT nữ Việt Nam hướng tới top 4 châu Á. Trong giai đoạn từ 2027 đến 2031, ĐT nữ sẽ có kế hoạch để làm chủ nhà VCK World Cup.
Hiện tại, với việc đang xếp thứ 16 châu Á, ĐT Việt Nam quyết tâm phấn đấu tăng 8 hạng lên Top 8 sau 3 năm, vượt qua ĐT Trung Quốc (hạng 10). Vị trí thứ 8 châu Á hiện tại đang thuộc về ĐT Iraq với 1338,91 điểm. Sau thắng lợi 2-0 trước Afghanistan ở trận giao hữu hôm 1/6, ĐT Việt Nam đã được cộng số điểm lớn và thăng tiến trên BXH FIFA.
Tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu phát biểu tại Hội nghị: “Năm 2017 đánh dấu những thành công của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế, sau quá trình đầu tư dài hạn và chú trọng bóng đá trẻ. Những kết quả to lớn cấp khu vực và châu lục đánh đấu thời điểm khởi sắc của bóng đá Việt Nam. Điều đó đặt ra bài toán cần phải có sự đầu tư chiến lược và dài hạn để phát triển hội nhập bóng đá thế giới hướng tới World Cup 2026”.
Bên cạnh mục tiêu tới năm 2025, Hội thảo khoa học còn nghiên cứu, thảo luận và đưa ra kế hoạch xây dựng thương hiệu của ĐT Việt Nam, đề cập đến quản lý thương hiệu, marketing, nguồn thu, quản lý tài trợ, khai thác truyền thông,…