Nỗi ám ảnh khai thác đá
Từ khi đi vào hoạt động, người dân quanh khu vực mỏ đá Gia Canh không thể nào quen với tiếng nổ mìn, khói, bụi và những con đường tan nát. Với họ đó thật sự là một nỗi ám ảnh. Hệ luỵ từ hoạt động khai thác đá là quá rõ ràng, nhưng chính quyền lại buông lỏng quản lý, chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân khu vực nói trên, nhóm phóng viên vượt gần 100 km đường bộ từ thành phố Biên Hoà đến đây để ghi nhận tình hình khai thác đá. Từ Quốc lộ 20, trên con đường nhựa đoạn từ cổng chào khu du lịch sinh thái Thác Mai – Bàu Nước Sôi vào mỏ đá Gia Canh, chúng tôi nhận thấy tình trạng đá vương vãi khắp nơi (do quá trình xe chở đá di chuyển không che chắn - PV). Nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Mỗi khi xe chở đá chạy ngang thì bụi tung mù mịt.
Chia sẻ với phóng viên, ông N.K nhà ở gần mỏ đá Gia Canh bức xúc “Từ khi mỏ đá này hoạt động, dân chúng tôi không một ngày an yên. Khổ nhất là bụi bặm, đường sá thì bị xe ben băm nát, đá thì vương vãi khắp lòng lề đường”.
Ông T.L.Q nhà ở cách mỏ đá khoảng 1km than phiền “xe chở hàng cứ ra vào liên tục, bụi nổi lên từng cơn, cứ lâu lâu phải xịt nước để rửa bụi, nhà không khi nào dám mở cửa. Phản ánh với chính quyền rồi đâu lại vào đấy”.
Để tiếp cận được mỏ đá không phải là điều đơn giản vì nơi đây được canh phòng bảo vệ khá cẩn mật. Vào vai doanh nghiệp đi lấy mẫu đá, chúng tôi may mắn có dịp “mục sở thị” hoạt động khai thác tại mỏ đá này.
Từ cổng vào mỏ đá, đập trước mắt là những núi đá thành phẩm cao chất ngất, kế bên là dàn máy xử lý đá vận hành liên tục hết công suất với tiếng ồn gần như vang cả một góc trời. Xe ben nối đuôi nhau ra vào “ăn hàng”, đa phần là xe có tải trọng lớn. Còn xe múc thì hoạt động liên tục để “bơm hàng” lên xe ben chờ sẵn. Không những làm nhiệm vụ bơm hàng ở phía trên, phía dưới các hố khai thác đá những xe múc cũng hoạt động hết công suất để múc những gàu đá chất đầy. Hoạt động khai thác rầm rộ, vô tội vạ khiến mỏ đá dần hình thành nên những hố sâu hun hút, địa chất khu vực trên gần như biến dạng hoàn toàn. Đứng trên mỏm đá nhìn xuống hố sâu có thể cảm nhận được cảm giác chênh vênh, nguy hiểm như đang đứng bên bờ vực thẳm. Hiện trường nơi mỏ đá như một cánh rừng vừa hứng trọn những trận bom. Theo quan sát của phóng viên, từ trên bờ nhìn xuống, mỗi hố sâu khoảng 60-80m, trên bờ các hố là những con đường quanh co uốn lượn, xe ben chen chúc nối đuôi nhau đi “ăn hàng” khiến bụi tung đầy trời, trong bỗng chốc, nơi đây biến thành một chiến địa. Quan sát kỹ có thế thấy rõ, một số hố đã khai thác xong nhưng chưa được đơn vị khai thác hoàn thổ.
Việc nổ mìn khai thác đá tại khu vực này trong thời gian dài đã gây rung chấn mạnh, khiến nhiều người bất an. Tuy nhiên, với người dân nơi đây, điều ám ảnh nhất có lẽ là tai nạn giao thông. Với hàng trăm lượt xe ben ra vào khu vực khai thác đá mỗi ngày, cộng với địa hình đường đèo dốc nguy hiểm, sát sườn những quả đồi vô hình chung biến con đường từ mỏ đá Gia Canh ra đến Quốc lộ 20 trở thành cung đường “tử thần”, nguy cơ mất an toàn giao thông là hiện hữu. Một số người dân cho biết, đoạn đường này đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ben chở đá. Đường thì tan nát, nhiều ổ voi, ổ gà cùng với do xe chở đá che chắn không kỹ nên đá dăm, đá mịn vương vãi ra đường khiến nhiều người té ngã, có người bị thương rất nặng phải chuyển viện lên tuyến trên cấp cứu. Ngoài ra, người dân còn phản ánh, mặt đường thì nhỏ nhưng đa phần xe chở đá đều có tải trọng lớn, đặc biệt nhiều xe chất đầy đá nhưng vẫn phóng nhanh vượt ẩu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông.
Mỏ đá Gia Canh có tổng diện tích trên 46 ha, trữ lượng mỏ là trên 15 triệu m3, công suất thiết kế mỏ là 750.000m3/năm (đá thành phẩm). Tuổi thọ mỏ được xác định là 26 năm sáu tháng (kể cả thời gian xây dựng cơ bản và thời gian đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường). Hiện mỏ đá được công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Mai Phong do ông Cao Hoàng Mai làm giám đốc có địa chỉ tại Ấp 8, xã Gia Canh, huyện Định Quán trực tiếp khai thác.
Chính quyền sở tại quản lý thiếu sâu sát?
Thời gian qua, chính quyền tỉnh Ðồng Nai đã đẩy mạnh việc chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là việc siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác đá. Theo đó, trách nhiệm chính quản lý nhà nước là của các sở, ngành và UBND cấp huyện. Lãnh đạo tỉnh này khẳng định, tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định của tỉnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý. Cùng với đó, các chủ mỏ khai thác đá phải chấp hành đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường. Trường hợp chủ mỏ khai thác đá không thực hiện đúng quy định, sẽ buộc ngừng hoạt động và rút giấy phép.
Quy định là vậy nhưng các cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương cơ sở ở Đồng Nai rất bị động trong việc kiểm tra, xử lý, đặc biệt là khâu cung cấp thông tin trao đổi với báo chí, thậm chí né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi phóng viên đặt câu hỏi. Đơn cử là sáng ngày 4/3, phóng viên chủ động liên hệ với lãnh đạo xã Gia Canh để tìm hiểu sự việc thì Chủ tịch xã thông báo là đang đi học ở thành phố Biên Hoà, mọi việc liên hệ trực tiếp với ông Mai Công Thuận, Phó chủ tịch xã. Khi chúng tôi gọi điện xin được cung cấp thông tin về mỏ đá Gia Canh, cũng như vấn đề quản lý địa bàn, ông Thuận lảng tránh, cho rằng xã không có trách nhiệm quản lý nên không có thông tin về mỏ đá, muốn gì thì lên huyện. Sau khi nhận chỉ đạo từ Chủ tịch xã, ông này hẹn đầu giờ chiều sẽ cung cấp thông tin. Nguyên cả buổi chiều không thấy thông tin, phóng viên chúng tôi đã chủ động đến uỷ ban nhân dân xã Gia Xanh để trao đổi. Thời điểm chúng tôi có mặt là khoảng 16 giờ 20 phút, nhưng ông Mai Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Canh vắng mặt. Điện thoại liên tục không nghe máy, khoảng 1 tiếng sau, ông này gọi điện lại cho phóng viên và nói: “do bận về nhà tưới cây, bỏ máy ở trong phòng nên không biết phóng viên gọi”. Ông này còn nói đã xin ý kiến của lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, và nhận được chỉ đạo là “bảo phóng viên vào trực tiếp công ty làm việc và lấy thông tin”.
Qua sự việc trên để thấy rằng, trong quá trình quản lý, UBND các xã, thị trấn chưa tích cực, quyết liệt nên tình hình khai thác đá vẫn còn nhiều phức tạp. Hi vọng rằng, trong thời gian tới hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại xã Gia Canh sẽ được chấn chỉnh. Ðây cũng là mong mỏi lớn nhất của người dân sống xung quanh khu vực khai thác đá nhiều năm nay.
H.VINH- N.LỘC- MẠNH THÌN
NGUỒN: ĐẠI ĐOÀN KẾT