Theo thống kê của Tiền Phong từ kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy, An Giang có điểm trung bình môn Ngữ văn đứng đầu cả nước với 7,61 điểm (điểm trung bình của cả nước là 6,61). Điều đáng nói, năm 2017, môn Ngữ văn của An Giang cũng đứng ở vị trí này. Nhưng mức điểm trung bình môn Ngữ văn của An Giang năm 2019 không lọt vào tốp 5 tỉnh có điểm trung bình thì năm nay đã “vượt lên” ở vị trí thứ nhất. Năm 2019, mức điểm trung bình môn Ngữ văn của An Giang là 5,92 và xếp ở vị trí thứ 9, không cao hơn nhiều so với mức điểm trung bình chung của cả nước (5,49).
Cả nước có 50 bài thi môn Ngữ văn đạt từ 9,75 điểm trở lên, An Giang có 25 bài, chiếm 50%, bỏ xa tỉnh đứng thứ 2 là Quảng Nam chỉ có 7 bài. Hơn nữa, cả nước cũng chỉ có 13 địa phương có thí sinh đạt được mức điểm này.
An Giang cũng có số bài thi đạt điểm từ 9,5 – 9,75 trở lên cao nhất cả nước và thậm chí vượt trội so với các tỉnh, thành khác. Tổng cộng cả nước có 655 bài thi môn Văn đạt mức điểm này thì An Giang có 241 bài, tức hơn 1/3 (chiếm tỷ lệ 37,73%).
Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 870.534 thí sinh dự thi môn Ngữ văn thì có 10.157 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên (chiếm khoảng 1,17%). Con số này cao hơn khá nhiều so với năm 2019, khi cả nước chỉ có 460 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên, dù lượng thí sinh nhiều hơn một chút (882.657). Trong số 10.157 TS đạt điểm từ 9 - 10 môn Ngữ văn, An Giang có tới 1.471 thí sinh (chiếm 14,48%) cao nhất cả nước. Hà Nội xếp thứ 2 với 1.457 TS (14,34%). Số lượng và tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các tỉnh ở vị trí tiếp theo là Thanh Hóa và Nghệ An. Hai tỉnh này lần lượt có 932 (chiếm 9,18%) và 609 (chiếm 6%) thí sinh có mức điểm này.
Còn ở mức điểm từ 8,75 trở lên, An Giang dù không đứng đầu cả nước nhưng vẫn xếp ở vị trí thứ hai (chỉ sau Hà Nội) với 2.422 bài thi trên tổng số 23.141 bài thi của thí sinh trong tỉnh.
Nếu xét đến mức điểm từ 8,5 trở lên, An Giang vẫn lọt tốp 3 cả nước và tiếp tục xếp trên 2 địa phương vốn nổi danh là Nam Định và Nghệ An với 3.719 bài, chiếm 24% so với tổng số thí sinh của An Giang. Nhìn vào phổ điểm thi môn Ngữ văn của An Giang thì đỉnh của phổ điểm là 8 điểm (cao nhất toàn quốc), với mức điểm phần lớn từ 7 đến 9 điểm.
Không những thế, điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển Đại học C00 (Văn, Sử, Địa), An Giang có hơn 13% thí sinh đạt 24 điểm 3 môn trở lên, đứng thứ hai toàn quốc chỉ sau Nam Định. Trong khi đó, các địa phương thuộc đất học như Hà Tĩnh hay Phú Thọ tỷ lệ này đều dưới 10% (đạt hơn 8%).
Tờ Giáo dục Việt Nam thông tin thêm, trước những nghi vấn này Bộ GD&ĐT nên tổ chức chấm thẩm định lại một số bài thi môn Ngữ văn ở An Giang, nhất là đối với những bài từ 8,0 điểm trở lên.
Nếu nhiều quá thì nên chấm thẩm định lại 1.471 bài thi Ngữ văn từ 9,0 điểm trở lên, thậm chí chỉ cần chấm thẩm định 316 bài có điểm từ 9,5 đến 10,0 điểm... cũng được.
Việc chấm thẩm định lại cũng nằm trong quy chế thi, thuộc thẩm quyền của Bộ và điều quan trọng nhất là làm rõ vấn đề mà dư luận đang quan tâm, đang đặt câu hỏi.
Nếu Hội đồng chấm thi ở An Giang chấm “lỏng tay” (như một số tờ báo đã đặt câu hỏi) thì Bộ sẽ có cơ sở chấn chỉnh trong các năm tới đây, nếu An Giang chấm chặt chẽ, không có sai sót thì cũng là cách minh oan cho địa phương này.
Bởi, An Giang vẫn là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn trong giáo dục mà đạt được kết quả như vậy là một sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cả thầy và trò nơi đây.
Dù ai cũng biết rằng việc chấm thẩm định môn Ngữ văn là một điều không hề dễ dàng, bởi việc chấm thi môn này từ lâu đến nay vẫn thuộc về quan điểm của Hội đồng, của người chấm thi…