Tại sao luật Căn cước đã có hiệu lực mà vẫn có người còn dùng CCCD?
Chính thức Luật Căn cước đã có hiệu lực từ 1/7/2024 nhưng trong giai đoạn đầu vẫn có người dùng CCCD, người còn dùng CMND, người đã đổi sang Căn cước.
Đó là vì khi có luật mới ra đời thường có giai đoạn chuyển tiếp từ luật cũ sang luật mới, tùy theo lĩnh vực mà thời gian chuyển tiếp khác nhau.

Việc cấp đổi Căn cước, CCCD cũng có giai đoạn chuyển tiếp. Theo quy định tại điều 46 của Luật Căn cước thì giai đoạn đó như sau:
"1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024".
Bởi vì quy định chuyển tiếp như trên nên từ 1/1/2025 thì chấm dứt hoàn toàn việc dùng CMND. Còn ở thời điểm hiện nay CCCD còn hạn vẫn có giá trị dùng nên đang song song tồn tại 2 loại giấy tờ tùy thân là Căn cước và CCCD. Những ai cấp lần đầu hoặc cấp đổi từ 1/7/2024 thì sẽ dùng sang Căn cước, còn ai đã cấp trước ngày này và vẫn còn hạn thì vẫn đang dùng CCCD.
Đến 2026 người dân bắt buộc cấp đổi sang Căn cước không?
Theo quy định chuyển tiếp trong luật thì CCCD còn hạn không bắt buộc phải cấp đổi sang Căn cước, trừ khi người dân có nhu cầu.
Theo đó thì đến hiện tại chưa quy định mốc thời điểm bắt buộc đổi CCCD sang căn cước, không có mốc thời gian chấm dứt dùng CCCD như quy định mốc 1/1/2025 chấm dứt hiệu lực của CMND. Thế nên thông tin năm 2026 người dân bắt buộc cấp đổi sang căn cước, không còn dùng CCCD là không chính xác.

Gần đây nhà nước có chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy nên có thêm thông tin sau sáp nhập phải cấp đổi CCCD/Căn cước vì sẽ có những thay đổi về địa chỉ.
Trên các phương tiện thông tin, cơ quan chức năng đã khẳng định không bắt buộc phải cấp đổi Căn cước/CCCD vì lý do sáp nhập. Tuy nhiên nếu những công dân thuộc phạm vi có thay đổi thông tin địa chỉ hành chính do sáp nhập có thể muốn cấp để thuận tiện thông tin cho người dân khi giao dịch. Như vậy có thể sẽ có nhiều người mong muốn đổi giấy tờ tùy thân trong trường hợp sau sáp nhập, thông tin địa chỉ trên giấy tờ của họ thay đổi. Lúc đó người dân sẽ được cấp đổi theo nhu cầu (chứ không bắt buộc) và như vậy sẽ đổi sang Căn cước.
Do đó người dân cần nắm rõ thông tin từ cơ quan chức năng, tránh có những thông tin sai lệch không chuẩn xác.