Trong tổng số 16 sản phẩm được xếp hạng thì huyện Đăk Hà có 6 sản phẩm đều là Cà phê được đánh giá, xếp hạng. Trong đó, Cà phê bột nguyên chất Coffee Đăk Mar, Cà phê hạt nguyên chất Coffee Đăk Mar, Hải Tình Coffee, Cà phê Vi Phú Hoàng được xếp hạng 3 sao; hai sản phẩm trong toàn tỉnh đạt 4 sao là Cà phê rang xay DAKMARK và Cà phê đặc biệt Sáu Nhung. Riêng Cà phê rang xay DAKMARK được đánh giá là sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (đề nghị Trung ương xem xét, đánh giá, phân loại sản phẩm).
Khu vực Tây Nguyên vốn có rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng, nên để được tin dùng, sản phẩm phải có những ưu thế vượt trội. HTX Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar đã làm được điều này khi có không ít quán cà phê ở TP Kon Tum lựa chọn Cà phê đặc sản Đăk Mar phục vụ khách hàng của mình. Nguyên nhân là bởi Cà phê đặc sản Đăk Mar thơm ngon, phù hợp với thị hiếu của người uống nên nhận được nhiều lời khen.
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Bé, để được công nhận cà phê VietGAP, các thành viên trong HTX Thế hệ mới phải sản xuất cà phê theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, có sổ ghi chép trồng, bón phân (chủ yếu bón phân hữu cơ), phun thuốc trong danh mục cho phép và tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch; xét nghiệm mẫu đất, mẫu nước, hạt cà phê... bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sử dụng. Nhờ HTX đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, giữ được hương thơm đặc trưng nên sản phẩm Cà phê đặc sản Đăk Mar đã tạo được "hương vị" mới ngay chính tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên.
Xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu của sản phẩm và ghi dấu ấn tại các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Khi được xếp hạng OCOP, nông sản có cơ hội vượt khỏi “ao làng”, vươn ra thị trường lớn.
Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng chia sẻ: Trước đây, Công ty chỉ tập trung thu mua, rồi sơ chế, xuất khẩu cà phê nhân xô chứ chưa có các sản phẩm cà phê thành phẩm. Từ năm 2014, Công ty mới bắt tay vào chế biến các dòng cà phê bột, cà phê hòa tan. Vì “sinh sau đẻ muộn” nên các sản phẩm cà phê mang thương hiệu DAKMARK chịu sức ép cạnh tranh rất khốc liệt. Để đứng vững trên thị trường, chúng tôi phải không ngừng khẳng định chất lượng sản phẩm, từng bước chuẩn hóa về mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói… Khi khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, Công ty bắt đầu thăm dò, tìm kiếm thị trường xuất khẩu với mục tiêu đưa đặc sản cà phê Đăk Hà vươn ra “biển lớn”. Đến nay, tham vọng đó thành hiện thực, khi các sản phẩm cà phê chế biến, nhất là cà phẩm Cà phê rang xay DAKMARK đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.
Xác định OCOP là chương trình tạo ra động lực mới phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động ở địa phương. Chính vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn huyện khi thực hiện OCOP đã có những sản phẩm đặc trưng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Đăk Hà, kết quả đạt được đã khẳng định đây là hướng đi đúng trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát huy lợi thế của địa phương để phát triển theo mô hình sản xuất hàng hóa, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: “Cũng phải khẳng định là chương trình đã tạo được phong trào mạnh mẽ. Thứ nhất là nó phát huy được vai trò của cộng đồng và phát triển được sản phẩm truyền thống của địa phương. Cùng với đó là nó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để giải quyết được nhóm yếu tố sản xuất, thu nhập, giảm nghèo và giải quyết được khâu lao động. Và đến giờ thì chúng ta tiến hành nâng cao chất lượng sản phẩm để xúc tiến thương mại”.
Đối với các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Một thị trường rộng lớn cho những sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương luôn là điều kỳ vọng của người sản xuất. Và, chương trình OCOP đã “mở lối” để các “đặc sản” của tỉnh nói chung và huyện Đắk Hà nói riêng vươn xa. OCOP còn là động lực khơi dậy ngọn lửa khởi nghiệp của những người trẻ, nông dân từ chính những đặc sản quê hương.