Vấn đề con dâu, con rể có được thừa kế tài sản của bố mẹ chồng/bố mẹ vợ không được nhiều người bàn thảo. Đặc biệt nhiều trường hợp con dâu ở với bố mẹ chồng, sau khi kết hôn thì cùng chồng và gia đình chồng làm nên khối tài sản nhưng lại đều đứng tên bố mẹ chồng, người chồng lại qua đời trước sau đó con dâu không được chia tài sản dẫn tới mâu thuẫn. Nhiều gia đình sống riêng với bố mẹ, người chồng qua đời trước, bố mẹ chồng để di chúc lại chỉ chia tài sản cho các con còn lại... Tương tự nhiều người con rể ở chung với bố mẹ vợ nhưng không được bố mẹ vợ nhắc tới khi làm di chúc.
Con dâu/con rể có quyền thừa kế không?
Liên quan tới thừa kế, pháp luật có quy định thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Do đó để trả lời việc con dâu con rể có quyền thừa kế không cần xem xét theo 2 dạng thừa kế trên.
Trong trường hợp bố mẹ để lại di chúc và là di chúc hợp pháp thì thực hiện theo di chúc. Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó nếu trong di chúc bố mẹ chồng để lại tài sản cho con dâu thì con dâu được hưởng, còn nếu không nhắc tới thì không được hưởng. Tương tự như vậy con rể sẽ được hưởng tài sản thừa kê từ cha mẹ vợ nếu có tên trong di chúc.

Nhưng trong trường hợp không có di chúc, tài sản đứng tên bố mẹ chồng thì con dâu sẽ không được quyền hưởng, không được kiện được đòi những người con ruột khác của cha mẹ chồng phải chia tài sản của bố mẹ chồng cho mình (nếu chồng mình đã qua đời, nếu chồng còn sống chỉ đòi được cho chồng).
Khi bố mẹ qua đời không để lại di chúc thì thừa kế được phân chia theo pháp luật., người được hưởng thừa kế trong trường hợp này theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể những ngươi được hưởng thừa kế trong trường hợp này lần lượt là: về các hàng thừa kế sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Người ở hàng thừa kế trước không còn thì người sau mới được hưởng, những người cùng hàng thừa kế được quyền hưởng như nhau.
Chồng qua đời trước, con dâu không được thừa kế thì có đòi được thừa kế cho cháu nội không?
Điều 652 của Luật Dân sự có quy định về việc Thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Như vậy con dâu không được quyền thừa kế nhưng cháu nội thì có quyền thừa kế thế vị nếu bố đã qua đời trước hoặc cùng thời điểm với ông bà.