Có nên bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu?

Trong khi một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ mới còn Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lại cho rằng vẫn cần phải giữ quỹ.

Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng QBOG. Bộ Tài chính cho rằng, gắn với quy định đưa xăng dầu vào diện quản lý theo giá tham chiếu nên hoàn toàn, có thể xem xét bỏ QBOG, giúp giá xăng dầu vận động theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối. Tuy nhiên, đến nay đề xuất vẫn nằm im lìm.

Theo TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, về cơ bản, QBOG không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Quỹ hoạt động theo cách thức “tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau”. Mục tiêu của quỹ nhằm giảm biến động giá xăng dầu thế giới vào giá bán trong nước. Tuy nhiên, tính toán của chuyên gia, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, việc có quỹ hay không cũng không có tác dụng.

“Từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2022, có 56 lần điều chỉnh giá, xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp; dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp; dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi. So sánh của chúng tôi cho thấy, việc sử dụng QBOG cũng không khác so với không có quỹ. Vì vậy, việc bỏ QBOG là cần thiết để giá xăng dầu sát với thị trường”, TS Phạm Thế Anh phân tích.

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu? Ảnh minh họa

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lý giải: “Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp. Còn khi giá thế giới tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm thì sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, vậy mà khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là hết sức vô lý”.

Do đó, chuyên gia cho rằng quỹ này cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát. “Bỏ cái “phao" chưa chuẩn đi để thay bằng cái “phao” khác. Tôi thấy rằng, ở các nước khác người ta xây dựng cái “phao” đó bằng hiện vật, tức là bằng dự trữ xăng dầu và việc này đã phát huy hiệu quả tốt", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết.

Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, việc đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được nói đến nhiều thời gian qua khi quỹ này không phát huy tác dụng như mong muốn. Ông Phong cho rằng bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ này, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phong cho biết, các quan điểm giữ quỹ để giảm biến động giá xăng dầu tăng nhanh bảo vệ lợi ích người tiêu dùng chỉ đúng một phần. Bỏ quỹ, chúng ta có thể yêu cầu doanh nghiệp trích lợi nhuận để mở quỹ, tại các doanh nghiệp xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu quỹ bình ổn giá khác nhau.

Trước nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để giá mặt hàng này theo thị trường, trên báo Tuổi Trẻ đưa tin, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vẫn cần phải giữ quỹ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam là một trong những nước đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu bị hạn chế, nhưng vẫn kiên quyết đảm bảo nguồn cung xăng dầu và vừa qua "đã làm tốt".

Với câu hỏi việc chi sử dụng quỹ bình ổn có gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp hay không, ông Hải cho biết liên bộ đã phối hợp chặt chẽ trong điều hành. 

Về quỹ bình ổn xăng dầu, ông Hải cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn là linh hoạt. Bởi khi cần thì trích và khi cần thì chi, nguồn quỹ "không mất đi đâu vì đấy đều là tiền của chúng ta". Trên thực tế, trong 8 kỳ khi giá xăng tăng cao thì quỹ đã chi liên tục, đã giúp bình ổn giá xăng dầu trong nước có mức giá thấp hơn so với giá thế giới.

Cũng trả lời về việc duy trì quỹ bình ổn giá liệu có thiệt thòi cho người tiêu dùng hay không, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng đây là công cụ được sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốc hay giảm mạnh, để điều hòa giá xăng dầu trong thị trường trong nước.

Về việc xem xét bỏ quỹ bình ổn, ông Chi cho hay bộ đưa ra nhiều phương án khác nhau, trong đó có việc tiếp tục giữ quỹ hay không, thay đổi không giữ quỹ nữa… Theo đó, ông đề nghị các doanh nghiệp, chuyên gia, người dân đóng góp ý kiến để lựa chọn phương án về quỹ bình ổn giá xăng dầu mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.