Chuyện Tết trên báo xuân xưa

Những tùy bút, hồi ký và thơ văn trên báo xuân Sài Gòn xưa được tuyển chọn, khơi gợi lại "hồn xưa" những cái Tết hiếm thấy đã trở thành một miền hồi ức đẹp đẽ.

Tiếp nối tập I đã ấn hành đầu năm 2020, Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II do nhà báo Phạm Công Luận tuyển chọn vừa ra mắt độc giả nhân dịp Tết đến xuân về, bày đủ thứ hương vị tết xưa cho độc giả hồi cố về Tết Việt truyền thống.

Được tuyển chọn từ những bài viết của các tên tuổi nổi tiếng trong làng bút mực như Lê Văn Trương, Tế Xuyên, Tạ Tỵ, Đinh Hùng... đăng trên các số xuân của báo, tạp chí Sài Gòn mới, Thần chung, Bách khoa, Đuốc nhà Nam... Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II không chỉ nói đến chuyện ăn Tết, mà đa dạng thêm với những ấn tượng, ghi chép về làng báo Sài Gòn xưa, về chuyện săn cọp Khánh Hòa... để độc giả thưởng thức.

chuyen-tet-tren-bao-xuan-xua1-1611806880.jpg
Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II do Phạm Công Luận tuyển chọn, NXB Thế giới và Phương Nam book ấn hành. Ảnh: Trí-Dũng.

Đủ kiểu thưởng thức Tết

Dù là tuyển chọn những bài viết rời rạc trên các báo xuân Sài Gòn xưa thời gian 1948-1975, nhưng Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II không chỉ quy hoạch Tết trong khoảng thời gian đó, mà còn ngược dòng xa hơn nữa, thậm chí là về Tết những năm 1930 với những ấn tượng khó phai.

Qua bài Nhớ cái Tết "kinh tế" năm xưa, Tế Xuyên đưa ta về Tết Việt năm 1932 khi mà nước Nam cũng như thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Dạo ấy, miếng cơm manh áo, sự trầy trật trong mưu sinh để tồn tại đã là một gánh nặng, thì nói gì đến thưởng Tết vui xuân. Dân thành thị bị cuộc khủng hoảng tràn qua đến miếng ăn còn khó kiếm, thậm chí ông Quách Đàm làm kinh tế lọc lõi cũng phải bán tháo cả dãy nhà phố sau khi xây chợ vì buôn bán ế ẩm.

Ấy thế nhưng trong ký ức của Tế Xuyên, năm ấy, tác giả lại có một cái Tết phủ phê hơn bao giờ hết với heo sữa, thịt gà, bánh tét và cả múa lân vì có người bạn đất Bạc Liêu làm nông lúa đầy bồ, ao đầy cá chẳng phiền gì khi kinh tế không ngó chốn thôn quê. Dậy mùi ẩm thực làm sao khi tác giả còn nhớ như in món cá lóc nướng trui có một không hai:

"Bọc con cá lóc vào hai miếng bẹ chuối, liệng vào đống rơm, châm lửa đốt, khỏi cần than củi. Đống rơm cháy hết là món cá đã chín, đem lên để vào dĩa bàn, mùi thơm phức, thịt cá ngon ngọt, còn nguyên hương vị cá đồng".

Tết năm đói mà phong lưu đến thế kể cũng hiếm. Với dân ghe chài sống kiếp giang hồ trên sông rạch, tết lại không được đủ đầy, đượm vị phong lưu như vậy khi đọc đến bài Ăn Tết giang hồ của Nam Vân. Đó là cái Tết không bánh tét, chẳng hoa mai... Nó chỉ đơn giản là bạn giang hồ tụ nhau gom góp "đưa cay" chén rượu đế cùng món nhắm tôm khô, củ kiệu nhưng lại đậm tình bao bọc.

Ăn Tết tự do thì đủ kiểu, còn Tết lao tù lại có những nét riêng qua bài Tết trong khám Cẩm Giang của soạn giả Viễn Châu. Là Tết lao tù, nhưng vẫn có lễ rước ông bà tổ tiên, có chúc Tết, múa lân; lại thêm vào đó là những hoạt động chẳng dễ gì có được ngoài song sắt như lễ truy niệm, bữa cơm thống nhất, hát Tiến quân ca...

Và sẽ còn nhiều những cảm nhận thi vị, giản dị khi đọc Nhớ những cái Tết ở chiến khu Bắc Việt hay Đêm giao thừa cũ, Hồi ký nhớ một tình xuân..

chuyen-tet-tren-bao-xuan-xua-1611806918.jpg
Tranh vẽ múa rồng ngày Tết. Nguồn: PLO.

Lan man ngoài chuyện Tết

Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II cũng đem đến cho độc giả những nhẩn nha trong hồi tưởng với những câu chuyện bên lề như kiểu mạn đàm bên chén trà xuân.

Nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng cũng có mặt trong ấn phẩm này nhưng không phải về chuyện thơ ca, hoạt động yêu nước, chuyện làm báo Tiếng dân... mà là chuyện tình yêu nơi Côn Đảo qua bài Cụ Huỳnh Thúc Kháng thuật mối tình suông của hai bạn đồng thuyền cùng hai nữ tù Côn Đảo.

Lùi về thời quá vãng xa hơn, ta nghe chuyện liên quan đến Tả quân Lê Văn Duyệt về thú đá gà của ngài cùng tài coi tướng gà đá với lời kể hấp dẫn của Sa Giang trong bài Độ gà Miên - Việt hay là con gà thần của quan Tả quân Lê Văn Duyệt.

Là những bài tuyển liên quan trên báo xuân Sài Gòn xưa, những người, việc liên quan đến làng báo Sài Gòn cũng được đề cập đến với những thông tin mới lạ mà không dễ độc giả có dịp biết đến.

Đó có thể đơn giản là chuyện làm báo giữa những năm 1930 với những việc lấy tin tức, đăng ảnh giản đơn mà có thể với hiện nay khi đời sống công nghệ thông tin khiến tin tức phải chọn lọc kỹ càng thì những mảnh tin về "té xe", "khỉ cắn người"... thực sự là những tin rất ư vỉa hè, nhưng dạo ấy lại xem là việc thường trong tin tức thời sự.

Những hồi ức về các nhà báo tiếng tăm như Bùi Thế Mỹ, Đào Trinh Nhất, Dejean de la Bâtie... cũng được kể lại trong bài Hồi ký không thứ tự của đời làm báo của tôi để qua đó ta biết thêm về một Đào Trinh Nhất sống đầy tình nghĩa, một nhà báo Dejean de la Bâtie lai hai dòng máu Việt - Pháp có đời sống riêng phụ thuộc vào nàng tiên nâu...

Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II cũng đem đến những bay bổng trong tâm hồn độc giả qua các tứ thơ của văn thi sĩ Đinh Hùng, Kiên Giang, Vũ Hoàng Chương, Viễn Châu... đăng trên báo xuân xưa ở Sài Gòn. Chẳng hạn như Đinh Hùng với những vần thơ đầy xúc cảm tình yêu quanh bốn mùa trong Tình mây nước:

"Chim hồng về khu rừng cũ,

Xuân ấy hai người mới yêu.

Cùng hoa, bướm trăng sáng nhiều,

Nắng thơm những chiều tình tự"...