Chuyên gia giáo dục phản biện đề xuất tổ chức 4 kỳ nghỉ/năm

Trước ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất bộ GD&ĐT tổ chức 4 kỳ nghỉ/năm, nhiều chuyên gia cho rằng xé lẻ kỳ nghỉ còn cần phải nghiên cứu dài.

Phải bàn tính thật kỹ

Ngày 14/2, UBND thành phố Hà Nội họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất bộ GD&ĐT tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác thực hiện. Có thể nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết một tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại kéo dài 2 tuần. 

Tuy nhiên, đề xuất này lại nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Có ý kiến thì đồng tình, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên xé lẻ kỳ nghỉ…  

Để rộng đường dư luận, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến phân tích từ một số chuyên gia giáo dục.  

TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ quan điểm trước đề xuất tổ chức 4 kỳ nghỉ/năm.

Trao đổi với PV, chuyên gia giáo dục TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (ĐH), bộ GD&ĐT cho biết: “Hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam là một hệ thống giáo dục thống nhất, một chương trình học, tổ chức các kỳ thi cũng phải thống nhất. Nên, nếu nghỉ 4 kỳ/năm thì theo tôi phải thống nhất cả nước”.

TS. Khuyến cho biết thêm, nếu muốn thống nhất cả nước thì phải có sự đồng thuận của tất cả các thành phố, các tỉnh, chứ không phải chỉ riêng Hà Nội làm là được.

“Chuyện này còn cần phải bàn dài dài về cái lợi, cái hại. Bởi, trên thế giới cũng có nước nghỉ 4 kỳ, thay đổi như vậy phải thay đổi đồng bộ. Không thể áp dụng cho từng tỉnh”, TS. Khuyến phân tích.

Cũng trao đổi thêm về việc nếu đề xuất nghỉ 4 kỳ/năm đi vào thực tiễn, TS. Khuyến cho rằng: “Đất nước chúng ta có dải đất dài, có vùng có thời tiết, khí hậu khác nhau, có vùng núi, vùng đồng bằng nên phải bàn kỹ, chứ không phải chỉ áp dụng trên địa bàn một thành phố. Bởi, nó liên quan đến thống nhất kỳ thi trên cả nước”.

Cũng theo TS. Khuyến, ý tưởng tốt hơn áp dụng tránh dịch bệnh, thiên tai xảy ra đó chính là dạy học qua truyền hình, điều này mới khả thi nhất.

Nên nghỉ 3 kỳ

Trao đổi với PV, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho biết ông có ý kiến khác so với đề xuất của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

“Theo tôi, một năm chỉ cần chia 3 học kỳ là đủ, một học kỳ 3 tháng kèm theo 1 tháng nghỉ xen kẽ là được. Không cần thiết phải chia tới 4 kỳ nghỉ nó bị lẻ ra”, ông Thịnh nói.

Ths. Phạm Phúc Thịnh cho rằng nên nghỉ 3 kỳ.

Ông Thịnh cũng phân tích: “Mỗi kỳ sẽ bao gồm 3 tháng học, một tháng nghỉ (trừ những ngày nghỉ theo quy định của nhà nước, tháng nghỉ đó có thể chia theo nhu cầu nhà trường, không nhất thiết phải nghỉ giống nhau). Ví dụ, trừ những đợt nghỉ lễ như 30/4, 2/9… tính ra một năm mất khoảng 12 ngày nghỉ, còn nghỉ Tết âm lịch thêm 2 tuần nữa là tổng 27 ngày chúng ta nghỉ theo quy định.

Còn lại, nhà trường cảm thấy thích nghỉ thế nào thì cho học sinh nghỉ như thế, không nhất thiết phải nghỉ giống nhau. Miễn sao, phải đảm bảo thời lượng học (ví dụ như từ tháng 1 đến tháng 4 xong học kỳ 1, từ tháng 5,6,7,8 là xong học kỳ 2, tháng 12 là xong học kỳ 3).

Đề xuất đưa ra cần có thời gian tham khảo, có kế hoạch rõ ràng thi cử ra sao. Còn quan điểm của tôi một năm chia làm 3 kỳ nghỉ, chia như vậy sẽ không bị ảnh hưởng học dồn, học bù”.