Ở nhiều vùng quê Việt Nam, không khó để bắt gặp những loài cây mọc hoang ven ruộng, bờ mương hay bãi đất trống. Chúng thường bị xem là cỏ dại, không có giá trị. Thế nhưng, ít ai biết rằng một số loài trong đó lại là "kho báu" dược liệu, được ví như “nhân sâm” của người nghèo nhờ những công dụng tuyệt vời trong y học cổ truyền.
Một ví dụ tiêu biểu là cỏ tháp bút, còn gọi là mộc tặc. Loài cây này có hình dáng lạ mắt: gần như không có lá, thân thẳng, chia đốt rõ ràng và cành sinh sản có đầu hình chóp giống như ngọn bút – từ đó mà có tên gọi “tháp bút”.

Ở Việt Nam, cỏ tháp bút không chỉ được trồng để làm cảnh nhờ vẻ đẹp thanh thoát như cây trúc mini, mà còn nổi bật với khả năng lọc không khí. Đặc biệt, giá trị lớn nhất của cây nằm ở công dụng chữa bệnh trong đông y, mang lại tiềm năng kinh tế cho người trồng và khai thác.
Trong y học cổ truyền, mộc tặc – hay còn gọi là cỏ tháp bút – thường được sử dụng dưới dạng phơi khô hoặc sao vàng hạ thổ. Vị thuốc này có tính bình, vị ngọt hơi đắng, đi vào các kinh phế, can và đởm. Nhờ đó, nó có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, cầm máu, bổ mắt, lợi tiểu, kháng viêm và giảm đau.

Không chỉ được ưa chuộng tại Việt Nam, cỏ tháp bút còn là vị thuốc dân gian quen thuộc trong y học cổ truyền Trung Quốc. Tại đây, loại thảo dược này được dùng để thanh nhiệt, tiêu đờm, trị ho, tăng cường thị lực và hỗ trợ điều trị đục thủy tinh thể. Người dân thường phơi khô cây, sau đó ủ thành trà để sử dụng như một loại nước uống thảo mộc hàng ngày.
Nhờ những công dụng quý, cỏ tháp bút có giá trị thương mại đáng kể. Tại Trung Quốc, giá bán khoảng 32 NDT/kg (tương đương khoảng 109.000 đồng). Trong khi đó, ở Việt Nam, loại thảo dược này được bán với giá 28.000–29.000 đồng mỗi 100g, tức khoảng 280.000–290.000 đồng/kg – cao hơn nhiều loại cây thuốc dân gian khác.