Về văn hóa xưa ở Việt Nam, cầu không chỉ là công trình giao thông công cộng mà còn là nơi dừng chân nghỉ ngơi cho người dân. Ngoài chùa Cầu Hội An, điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, ở Việt Nam cũng còn nhiều cây cầu được xây dựng theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Hãy cùng tìm về những cây cầu cổ xưa ở Việt Nam vẫn sống mãi với thời gian.
Cầu ngói Thanh Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Đây là một trong những di tích kiến trúc cổ chứa đựng vẻ đẹp xưa cũ, nhuốm màu thời gian, đồng thời còn là cây cầu có giá trị về nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam hiện nay. Cầu ngói Thanh Toàn là một trong những cây cầu ngói cổ, có kiến trúc “thượng gia hạ kiều” đẹp nhất Việt Nam.
Ảnh: Bảo Ân |
Toạ lạc ở xã Thủy Thanh, thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cầu ngói Thanh Toàn là một trong những công trình cổ được công nhận là di tích cấp Quốc gia ở Huế. Thân cầu được làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói ống tráng men. Khác với các cầu ngói ở Bắc Bộ dùng ngói vảy cá hoặc mũi hài thì cầu Thanh Toàn dùng ngói lưu ly.
Ảnh: Bảo Ân. |
Cầu ngói Thanh Toàn có tổng chiều dài 16,85m, chiều rộng là 4,63m, được chia thành 7 gian, trên có mái che lợp ngói lưu ly. Từ xa nhìn vào du khách sẽ cảm thấy cây cầu mang hình dáng của một ngôi nhà truyền thống. Gian chính giữa của cầu đặt bàn thờ bà Trần Thị Đạo - người đã có công xây dựng công trình kiến trúc này.
Góc nhìn khi du khách đứng trên cầu phóng tầm mắt nhìn cảnh vật xung quanh. Ảnh: Bảo Ân |
Cầu ngói chợ Thượng tỉnh Nam Định
Cầu ngói chợ Thượng cũng được thiết kế theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Chiếc cầu còn có tên gọi khác là cầu ngói Thượng Nông, nằm ở xã Bình Minh, huyện Nam Trực là một trong năm cây cầu ngói cổ, nổi tiếng tại Việt Nam. Tháng 6/2012, cây cầu này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Ảnh: Bảo Ân. |
Nhà cầu có 11 gian, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông. Cầu xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng, bộ khung cầu ngói chợ Thượng được dựng bằng gỗ lim. Năm 1993, do hai bên thành bằng gỗ của cầu bị mối mọt nên đã được trùng tu thay thế bằng đá.
Ảnh: Bảo Ân. |
Cầu ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh cũng là người con gái làng Thượng Nông. Nhìn tổng thể bên ngoài, có thể nhận thấy, mố cầu được làm rất chắc chắn, bằng những tảng đá nguyên khối xây ghép với nhau. Mố cầu được xây vuốt lên theo hình thang cân. Hai mố cách nhau khoảng gần 5m, ở giữa tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.
Ảnh: Bảo Ân. |
Cầu ngói ở chùa Thầy, thành phố Hà Nội
Trong khuôn viên chùa Thầy (thành phố Hà Nội) có hai cây cầu ngói là cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Hai cây cầu được xây theo kiến trúc trên là nhà, dưới là cầu. Mỗi cây cầu gồm 5 gian, dưới dựng cột đá, trên là bộ khung nhà gỗ lợp ngói mũi hài.
Ảnh: Vương Lộc |
Hai bên thành cầu thông thoáng, có lan can thấp được làm rộng ra để làm nơi nghỉ chân cho du khách đến tham quan. Cầu ngói Nhật Tiên nằm bên trái chùa đi ra đền thờ Tam phủ. Còn cầu Nguyệt Tiên ở phía bên phải chùa nối với bờ hồ lên núi.
Ảnh: Vương Lộc. |
Tương truyền, hai cầu ngói cổ này do "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan cho xây để cung tiến vào chùa sau khi đi sứ nhà Minh vào đầu thế kỷ 17. Với kiến trúc thượng gia hạ kiều, mỗi cây cầu gồm 5 gian, phía dưới là cột đá, phía trên là bộ khung nhà gỗ lợp ngói mũi hài. Phía thành cầu thoáng đãng, lan can thấp rộng, du khách đi qua có thể dừng lại nghỉ chân, vãn cảnh.
Cầu ngói Phát Diệm ở Ninh Bình
Cầu ngói Phát Diệm ở huyện Kim Sơn được xây dựng vào năm 1902. Xưa kia, huyện này chỉ là một vùng đất sình lầy ven biển, được bồi tụ của hai cửa sông lớn là sông Càn và sông Đáy do nhà Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) đã kêu gọi người dân lập ấp, quai đê, ghi danh nơi này trên bản đồ Việt Nam.
Ảnh: du lịch Ninh Bình |
Chiếc cầu này lúc đầu được dựng bằng thân những cây gỗ to, tấm gỗ lớn và rộng để người dân thoải mái di chuyển. Nhưng qua thời gian tàn phá, vào năm 1902 cây cầu này được thay thế bằng một cây cầu ngói, chính là cầu ngói Phát Diệm ngày nay. Đến năm 2018, cầu ngói Phát Diệm đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
Ảnh: du lịch Ninh Bình. |
Dù trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, mặc bao mưa gió, cầu ngói Phát Diệm vẫn giữ nguyên dáng vẻ trầm mặc, sừng sững soi bóng lên dòng sông Ân hiền hòa. Cây cầu mang đậm lối kiến trúc độc đáo của khu vực Bắc Bộ và được xây theo kiểu “thượng gia hạ kiều” gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách khi đến với mảnh đất Ninh Bình.