Cập nhật thông tin mới nhất về vùng áp thấp trên biển Đông, khả năng mạnh thành bão

Vào hồi 13 giờ ngày 28/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,1-16,1 độ Vĩ Bắc; 116,8-117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông Đông Nam.

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 13 giờ ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Cập nhật thông tin mới nhất về vùng áp thấp trên biển Đông, khả năng mạnh thành bão

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 14,5 đến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 13 giờ ngày 30/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo thời tiết trong 24 đến 48 giờ tới, Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây bị nén và đầy dần lên; riêng vùng núi Bắc Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp với vùng hội tụ gió lên đến 5000m phân tích trên, từ khoảng ngày mai (29/6), vùng hội tụ gió này có khả năng mở rộng ra các nơi khác của Bắc Bộ và hoạt động mạnh dần lên.

 Đồng thời từ ngày 29/6 có khả năng hình thành rãnh áp thấp có trục qua khu vực Bắc Bộ nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; áp tăng yếu, độ ẩm tăng dần. Trung Bộ nằm ở rìa phía Nam của hệ thống thời tiết phân tích trên kết hợp với hoạt động của gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn; áp và độ ẩm ít thay đổi. 

Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của trường gió Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần lên; áp và độ ẩm thay đổi ít.