Cẩn trọng khi dùng mật ong: Tốt cho sức khỏe nhưng 'kỵ' 2 thứ quen thuộc trong căn bếp nhà bạn

Mật ong là món quà thiên nhiên ban tặng, nhưng chỉ khi sử dụng đúng cách thì mới phát huy trọn vẹn giá trị. Việc kết hợp mật ong với những loại thực phẩm không phù hợp có thể dẫn đến hệ lụy không ngờ. 

Mật ong từ lâu được coi là "tặng phẩm" quý giá từ thiên nhiên với khả năng nuôi dưỡng cơ thể và hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, không phải mọi sự kết hợp đều mang lại lợi ích. 

Theo TS.BS Ngô Thị Kim Oanh, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), có hai nhóm thực phẩm mà chúng ta cần đặc biệt tránh khi dùng cùng mật ong để ngăn ngừa những tác động không mong muốn đến sức khỏe.

Mật ong không đơn thuần là một chất tạo ngọt tự nhiên, loại thực phẩm này còn là kho dự trữ của hơn 200 thành phần hoạt tính sinh học, bao gồm đường tự nhiên (chủ yếu là fructose và glucose), enzyme, axit amin, khoáng chất (canxi, kali, sắt, magie) và các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid và axit phenolic. Nhờ vậy, mật ong hỗ trợ chống viêm, cải thiện hệ miễn dịch, và thậm chí giúp lành vết thương.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Oanh, việc dùng mật ong không đúng cách, đặc biệt là trong kết hợp thực phẩm, có thể khiến những lợi ích này bị "vô hiệu hóa", thậm chí phản tác dụng.

Cảnh báo từ chuyên gia: Tránh dùng mật ong cùng 2 loại thực phẩm sau

1. Bột sắn dây

Sắn dây từ lâu được ưa chuộng vì đặc tính làm mát, giải nhiệt. Tuy nhiên, việc pha mật ong chung với bột sắn dây lại có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa. Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt trong cơ chế phân giải đường và tinh bột, trong khi mật ong giàu fructose có thể gây đầy hơi ở một số người, còn bột sắn chứa tinh bột khó tiêu nếu không được nấu chín kỹ.

Với những người có cơ địa nhạy cảm, rối loạn tiêu hóa hay hội chứng ruột kích thích, sự kết hợp này có thể dẫn đến cảm giác chướng bụng, đau âm ỉ hoặc khó chịu sau khi sử dụng. Bác sĩ Oanh khuyến cáo nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên dừng ngay và tham khảo ý kiến của bác sĩ và những người có chuyên môn trong lĩnh vực dinh dưỡng.

2. Các món ăn chứa đường tinh luyện

Mật ong vốn đã là nguồn đường tự nhiên có năng lượng cao. Khi dùng thêm cùng các thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện như bánh kẹo, nước ngọt hay món tráng miệng công nghiệp, tổng lượng đường đưa vào cơ thể sẽ vượt quá mức cần thiết. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến cân nặng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường type 2, tim mạch và rối loạn chuyển hóa.

Bác sĩ Oanh nhấn mạnh: “Nhiều người có thói quen thay đường bằng mật ong để ‘ăn uống lành mạnh’ hơn, nhưng nếu tiếp tục kết hợp mật ong với các món ăn vốn đã nhiều đường, thì hiệu quả ngược lại hoàn toàn.” Đặc biệt, người thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử rối loạn đường huyết càng nên cẩn trọng.

Những ai cần đặc biệt lưu ý khi dùng mật ong?

  • Trẻ em dưới 1 tuổi: Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh vì nguy cơ ngộ độc botulinum (một loại vi khuẩn có thể có trong mật ong) gây hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh chưa hoàn thiện của trẻ.
  • Người bị dị ứng phấn hoa: Một số trường hợp có thể phản ứng dị ứng với mật ong, gây mẩn đỏ, ngứa hoặc thậm chí khó thở.

  • Người bị tiểu đường: Mặc dù mật ong là tự nhiên, nhưng vẫn có thể làm tăng đường huyết nếu dùng quá nhiều. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định đưa mật ong vào khẩu phần ăn thường xuyên.

Cách sử dụng mật ong an toàn và hiệu quả

  • Dùng lượng vừa phải: Khoảng 1–2 muỗng mỗi ngày là đủ để tận dụng lợi ích mà không lo dư đường.

  • Không nên pha mật ong với nước sôi: Nhiệt độ cao có thể phá vỡ enzyme có lợi trong mật ong.

  • Lựa chọn mật ong nguyên chất, rõ nguồn gốc: Giúp tránh tình trạng mật ong pha tạp hoặc nhiễm chất bảo quản.

Quỳnh Trâm