Khi ăn hạt hướng dương, nhiều người gặp tình trạng ngứa họng và bị ho. Để giảm các triệu chứng này, bạn có thể áp dụng cách dưới đây.
Khi ăn hạt hướng dương, nhiều người cảm thấy dễ bị ngứa họng, ho, khàn giọng là do ăn phải lớp vỏ lụa bên ngoài. Lớp vỏ này sẽ gây kích thích niêm mạc họng. Để làm dịu cơn khó chịu ở họng do ăn hạt hướng dương, bạn có thể áp dụng các mẹo nhỏ dưới đây.
Sử dụng gừng
Gừng có tác dụng trị ho và mất tiếng rất tốt. Ăn gừng sẽ kích thích thanh quản thiết chất nhầy, làm giảm cảm giác ngứa và ho, làm sạch độc tố trong thanh quản.
Cách sử dụng gừng rất đa dạng. Bạn có thể dùng gừng tươi giã nhuyễn, ngâm trong nước nóng khoảng 20 phút rồi thêm một chút mật ong để uống.
Ngâm một vài lát gừng tươi cũng giúp giảm khó chịu ở cổ họng.
Kẹo gừng, trà gừng cũng có tác dụng rất tốt.
Sử dụng giấm táo
Giấm táo có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giúp giảm viêm họng, giảm ho rất hiệu quả.
Hãy lấy 2 thìa giấm táo trộn với một ít mật ong và nước chanh. Ngâm một ít hỗn hợp này, 2-3 lần/ngày để giảm ho, đau họng.
Sử dụng mật ong
Mật ong là loại nguyên liệu không thể thiếu trong rất nhiều bài thuốc trị ho dân gian. Nó có vị ngọt dịu, có tính kháng khuẩn, được dùng để giảm đau rát cổ họng, khàn tiếng, mất tiếng, giảm ho...
Mật ong thường được dùng với các nguyên liệu khác như gừng, quất, lê... để tạo ra các bài thuốc trị ho.
Bạn cũng có thể pha mật ong với nước ấm để uống, giúp làm dịu cổ họng.
Sử dụng muối
Muối có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, giảm kích ứng cổ họng rất tốt.
Hãy pha một thìa cà phê muối vào một ly nước ấm và dùng nước này để súc miệng.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn làm dịu cơn đau rát cổ họng, khản tiếng do ăn nhiều hạt hướng dương. Nước giúp giữ ẩm dây thanh quản, làm giảm cảm giác khô, ngứa họng, làm dịu cơn ho.
Sử dụng tỏi
Tỏi có chứa nhiều nguyên tố vi lượng và chất allicin có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Ngoài việc sử dụng làm gia vị cho các món ăn, bạn cũng có thể dùng tỏi như một vị thuốc tự nhiên dùng để trị ho, khản tiếng.
Lấy vài tép tỏi, để cả vỏ và đập dập. Cho tỏi vào bát và đem hấp 15 phút. Mỗi lần dùng lấy 1 thìa cà phê tỏi hấp để ăn trực tiếp, một ngày ăn 2-3 lần.
Ngoài ra, có thể lấy tỏi nướng cho vỏ cháy xém rồi bóc sạch. Phần tỏi bên trong nghiền nhỏ rồi dùng với một chút nước ấm.