Phóng viên: Báo cáo năm 2020, ngành công nghiệp Hậu Giang đột phá khi thu hút nhiều dự án lớn. Ông đánh giá việc này thế nào? Tình hình phát triển công nghiệp của HG trong năm qua?
Ông Nguyễn Phong Minh: Trong năm 2020, vượt qua tình hình khó khăn về kinh tế, dịch bệnh, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều công trình, dự án lớn đã đi vào hoạt động đã có những đóng góp nhất định, làm cho bức tranh công nghiệp của tỉnh ngày càng hoàn thiện, góp phần không nhỏ vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, và người dân địa phương, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong năm, BQL đã chủ động tham mưu và được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương thu hút 12 dự án mới và mở rộng, tăng gấp 3 lần so với năm 2019 (thu hút 4 dự án) với tổng số vốn đăng ký mới 3.200 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019 (vốn đăng ký mới 1.607 tỷ đồng) và các doanh nghiệp đăng ký tăng vốn đầu tư hơn 2.022 tỷ đồng. Riêng 11 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn tạo ra giá trị SXCN thực tế tương đương so với cùng kỳ năm 2019, đạt 25.870 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 487,4 triệu USD, đạt 95% so với cùng kỳ năm 2019 (511 triệu USD) và nhập khẩu 314 triệu USD, đạt 106% so với cùng kỳ năm 2019 (295 triệu USD), nộp ngân sách hơn 498 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2019 (250 tỷ đồng).
Lũy kế đến nay có 62 dự án đầu tư tại các khu, cụm CNTT, gồm 60 dự án sản xuất kinh doanh (trong đó có 07 dự án nước ngoài) và 02 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng, với tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 73.106 tỷ đồng, ngoài nước là 565,9 triệu USD. Hiện tại đã có 41 dự án đi vào hoạt động và các dự án lớn đang triển khai như Nhà máy luyện cán, thép Sunpro; nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan;… các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực và to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động.
Phóng viên: Theo định hướng của tỉnh, nhiệm kỳ tới sẽ tập trung phát triển công nghiệp. Với vai trò là BQL các khu công nghiệp, đơn vị sẽ có những cách làm gì để phát triển công nghiệp thời gian tới?
Ông Nguyễn Phong Minh: Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch và đang phát triển 02 KCN và 04 Cụm CNTT với quy mô diện tích khoảng 900 ha và 355 ha đất Trung tâm Điện lực Sông Hậu. Vị trí các KCN được quy hoạch gần vùng nguyên liệu nông sản, thủy hải sản, gần thị trường tiêu thụ và gần nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực ĐBSCL; vị trí giao thông thuận lợi về đường bộ (quốc lộ 1A, 61C, Nam Sông Hậu) đường thủy (sông Hậu, sông Xáng Xà No) và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Để tiếp tục tăng cường phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, BQL đã đề xuất định hướng quy hoạch tổng thể phát triển các KCN vào quy hoạch chung tỉnh Hậu Giang, chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 2021 - 2030: Quy hoạch 07 KCN khoảng 1.914 ha, trong đó địa bàn huyện Châu Thành quy hoạch 04 KCN gồm KCN Đông Phú - giai đoạn 1 (120ha), KCN Đông Phú - giai đoạn 2 (370ha), KCN Sông Hậu - giai đoạn 2 (220ha), KCN Sông Hậu – giai đoạn 3 (220ha); trên địa bàn huyện Châu Thành A quy hoạch 02 KCN gồm KCN đô thị dịch vụ Nhơn Nghĩa A (400ha), KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn 2 (274ha); trên địa bàn huyện Phụng Hiệp quy hoạch 01 KCN đô thị dịch vụ Long Thạnh (300ha).
- Giai đoạn 2030 – 2050: Quy hoạch 02 KCN khoảng 600 ha, trong đó địa bàn huyện Châu Thành quy hoạch 01 KCN đô thị dịch vụ Đông Phú - giai đoạn 3 (300ha); trên địa bàn huyện Châu Thành A quy hoạch 01 KCN đô thị dịch vụ Nhơn Nghĩa A - giai đoạn 2 (300ha).
Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp hiệu quả theo nghị quyết của tỉnh đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021-2025, công nghiệp được xác định là ngành giữ vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế, do đó BQL đã đề ra các giải pháp như : Hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án quy mô lớn; Xây dựng kế hoạch XTĐT cụ thể hướng theo đối tác đầu tư có tiềm năng như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong … với định hướng là thu hút các ngành nghề thân thiện môi trường, có công nghệ cao, hiện đại, sử dụng ít lao động. Đặc biệt thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN có năng lực, các dự án sản xuất công nghiệp chế biến nhằm phát huy lợi thế địa phương, tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản.
BQL cũng tham mưu UBND tỉnh đề án cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng các KCN để sẵn sàng cho công tác XTĐT và thu hút nhà đầu tư.
Bên cảnh đó, BQL tiếp tực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm về thời gian của các thủ tục hành chính nhất là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, xây dựng, môi trường và đất đai nhất là các dự án có quy mô lớn; Nghiên cứu tham mưu áp dụng Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định mới có liên quan có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Ngoài ra, BQL đề xuất UBND tỉnh thành lập tổ công tác do thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương để xử lý nhanh các đề xuất kiến nghị chính đáng của nhà đầu tư nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông./.