Biến thể mới của COVID-19 'thay tính đổi nết': Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu sớm âm thầm dễ bị bỏ qua

Dù triệu chứng ở nhiều bệnh nhân chỉ giống cảm lạnh hoặc viêm dạ dày nhẹ, nhưng virus vẫn có thể gây tổn thương phổi âm thầm, xuất hiện các tổn thương dạng “kính mờ” trên phổi mà không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng.

Biến thể mới dễ lây, lẩn tránh miễn dịch

Chia sẻ trên Sohu, bác sĩ Hoàng Huyên, chuyên gia hồi sức cấp cứu nổi tiếng tại Đài Loan, cảnh báo: Các biến thể mới như KP.2, JN.1 và XBB thuộc nhóm “FLiRT” không chỉ có khả năng lây nhiễm cao mà còn dễ dàng thoát khỏi hệ miễn dịch. Ngay cả người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm.

Điểm đáng lo ngại là các triệu chứng nay không còn rõ ràng như trước. Người bệnh hiếm khi bị sốt, thay vào đó là một loạt dấu hiệu mờ nhạt như mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy, giảm khứu giác hoặc ngứa họng nhưng không đau. Trong khi đó, virus có thể đang âm thầm tấn công phổi, gây nên tình trạng tổn thương dạng kính mờ mà chỉ phát hiện được qua hình ảnh y tế chuyên sâu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Không sốt" không đồng nghĩa với "không nhiễm"

Các số liệu từ nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, chỉ khoảng dưới 40% bệnh nhân mới mắc có triệu chứng sốt, giảm mạnh so với giai đoạn đầu đại dịch. Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh:

“Ngứa họng nhưng không đau, lưỡi khô hoặc mất khứu giác nhẹ có thể là tín hiệu đầu tiên của việc nhiễm bệnh, không nên xem nhẹ.”

Ông khuyến cáo, nếu có dấu hiệu nghi nhiễm, người dân cần tự theo dõi sức khỏe trong 48 giờ đầu. Trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng như:

Khó thở

Đau đầu dữ dội kéo dài

Tiêu chảy không dứt

thì cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức.

Vẫn cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách

Ngay cả khi triệu chứng không nghiêm trọng, người bệnh cũng cần chủ động cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, tại các khu vực đông người như bệnh viện, thang máy, tàu điện, việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng tránh hiệu quả.

“3 nguyên tắc vàng” khi đối mặt với biến thể mới

Cuối cùng, bác sĩ Hoàng đưa ra ba lời khuyên then chốt giúp người dân nhận diện và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm:

Không sốt không có nghĩa là không nhiễm bệnh

Triệu chứng nhẹ cần theo dõi – Triệu chứng nặng cần đi khám ngay

Khẩu trang vẫn hiệu quả – Miễn dịch cần được duy trì lâu dài