Giấm táo có hương thơm nhẹ và vị chua dịu, được sử dụng nhiều trong các món ăn. Ngoài ra, người ta còn pha loãng giấm táo với nước để uống nhằm hỗ trợ giảm cân. Loại giấm trái cây này cũng là nguyên liệu dưỡng da, dưỡng tóc phổ phiến.
Một nghiên cứu cho thấy dùng 1-2 muỗng canh giấm táo (tương đương 15-30ml) mỗi ngày có thể hỗ trợ giảm trung bình 1,2-1,7kg trong vòng 3 tháng đối với người trưởng thành. Bạn chỉ cần pha loãng giấm với nước để uống hoặc sử dụng giấm để làm nước sốt cho các món salad.
Bạn có thể tự làm giấm táo tại nhà với những nguyên liệu đơn giản, giá cả phải chăng mà hương vị lại thơm ngon, đảm bảo an toàn.
Cách làm giấm táo số 1
- Nguyên liệu làm giấm táo
1kg táo, 1 lít nước đun sôi để nguội (hoặc nước tinh khiết đóng chai), 1 bát con đường, hũ thủy tinh để ủ giấm.
Để làm giấm, bạn có thể chọn táo xanh hoặc táo đỏ tùy thích. Cần chọn những quả táo lành lặn, tươi, vỏ nhẵn bóng, cầm lên nặng và chắc tay. Thịt táo ngọt và nhiều nước. Loại táo này làm giấm sẽ ngon hơn so với táo to và xốp.
Hũ thủy tinh đựng giấm táo cần trụng nước sôi để khử khuẩn sau đó phơi thật khô ráo.
- Các bước làm giấm táo
Táo mua về rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi rửa lại bằng nước sạch. Tùy theo sở thích, bạn có thể gọt vỏ hoặc để cả vỏ táo đều được.
Cắt táo thành miếng nhỏ, bỏ phần hạt.
Cho táo vào hũ thủy tinh, cứ một lớp táo lại rải một lớp đường lên trên (có thể sử dụng đường phèn hoặc đường vàng, đường trắng tùy điều kiện). Làm lần lượt cho hết số lượng táo là được.
Đổ nước vào bình táo sao cho táo ngập trong nước. Lượng nước vào táo không cần đầy bình, cần phải chừa lại khoảng trống trong bình để men giấm sủi bọt và sinh ra khí sau một thời gian ngâm.
Đậy nắp bình và để ở nơi khô ráo, thoáng mát, ủ giấm táo trong vòng 2 tuần. Trong khoảng thời gian này, thỉnh thoảng nên mở nắp bình giấm táo ra cho khí bay hơi.

Sau khoảng 2 tuần, bạn có thể nếm thử xem vị của giấm táo đã đạt yêu cầu chưa, càng ủ lâu thì vị của giấm sẽ càng chua. Nếu đã đạt yêu cầu, hãy đem giấm đi lọc bỏ phần bã, phần nước giấm thu được cho vào chai thủy tinh, để thêm 2 tuần nữa là có thể đem ra dùng.
Thành phẩm giấm táo thu được sẽ có màu vàng nhẹ, hơi trong. Giấm có vị chua, hơi ngọt nhẹ và có mùi thơm.
Cách làm giấm táo thứ 2
- Nguyên liệu làm giấm táo
4 quả táo, 200 gram đường, 400ml giấm gạo.
Sử dụng thêm giấm gạo sẽ giúp quá trình lên men của táo diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn.
- Các bước làm giấm táo
Táo mua về rửa sạch rồi ngâm nước muối để loại bỏ vi khuẩn bám trên bề mặt quả táo. Sau đó, vớt ráo ra, rửa lại bằng nước sạch và để ráo.
Cắt táo thành miếng nhỏ, bỏ hạt rồi cho vào bình cùng với đường, cứ rải một lớp táo lại thêm một lớp đường. Đổ giấm gạo vào bình rồi đậy kín nắp.
Để bình giấm ở nơi thoáng mát, thỉnh thoảng mở nắp để khí bên trong bay hơi. Khi thấy giấm chuyển sang màu vàng, nếm thấy giấm có vị chua và mùi thơm hợp khẩu vị thì đem lọc bỏ bã, phần giấm đổ vào chai sạch, đậy nắp kín để dùng dần. Có thể bảo quản giấm ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc để ở ngăn mát tủ lạnh.
Giấm táo làm tại nhà là giấm tự nhiên, có thể có lắng phần bã mịn của táo ở phần đáy chai. Đây là điều bình thường, không cần phải lo lắng. Trước khi dùng, bạn chỉ cần lắc đều chai giấm lên là được. Cách này không làm ảnh hưởng gì đến hương vị của táo.