Công nghiệp giải trí hiện đang là một ngành kinh tế quan trọng, thậm chí được xem là trọng điểm tại một số quốc gia trên thế giới. Cùng với sự phát triển siêu nhanh của kỷ nguyên 4.0, ngành công nghiệp giải trí dần có sự thay đổi, được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi cho cuộc sống con người.
Tại Châu Á, Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu coi trọng ngành công nghiệp giải trí. Đơn cử như lĩnh vực phim truyền hình, nhờ vào khả năng quảng bá văn hóa và thương mại ngày càng hấp dẫn, nhiều “ông lớn” nhảy vào để đầu tư tại đất nước này. Ngành công nghiệp giải trí trở thành một phần không thể thiếu cho sự phát triển chung của xứ sở Kim Chi.
Tương tự, thị trường giải trí Trung Quốc cũng ngày càng nhộn nhịp, trở thành nguồn thu khổng lồ cho đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, cũng từ đây mà hiện tượng "hỗn loạn" trong Cbiz xảy ra ngày càng nhiều. Hàng loạt nghệ sĩ vướng bê bối, sản xuất phim ảnh lệch lạc khiến nhà chức trách phải vào cuộc mạnh tay.
Đỉnh điểm, từ tháng 8/2021 đến nay, Trung Quốc tăng cường "dẹp loạn" ngành giải trí. Những ngôi sao được cho là "thừa nhan sắc, thiếu tài năng", đi lên nhờ fan, nhờ ồn ào... sẽ khó thoát sau các đợt chấn chỉnh. Đơn cử như Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Trịnh Sảng đã chính thức bị đào thải khỏi thị trường giải trí tỷ dân.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung quốc từng đăng bài nhận định: "Thời kỳ của sao lưu lượng chính thức khép lại. Cơ quan chức năng sẽ bằng mọi cách "nhổ tận gốc" những phương thức hình thành dạng sao này".
Nói được làm được, những thay đổi trong làng giải trí Hoa ngữ khiến dư luận có phần bất ngờ. Phim đam mỹ bị hạn chế, hủy bỏ các BXH độ hot của nghệ sĩ, kiểm soát chặt hoạt động của công ty giải trí, kìm hãm các lò đào tạo thần tượng, xử lý nạn fan cuồng, cấm ngôn hoặc khóa tài khoản Weibo nếu tạo số liệu giả cho minh tinh, hạn chế vấn đề sao nam yểu điệu (nương pháo), phong sát triệt để nghệ sĩ vướng bê bối đời tư... là một trong số những động thái mạnh tay của nhà chức trách nhằm "làm sạch" ngành giải trí Trung Quốc.
Tại Việt Nam, một nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp đang dần hình thành và phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt nghệ sĩ trẻ tài năng ra đời được khán giả đón nhận. Thế nhưng, đây cũng là thời cơ để hàng loạt hot girl, hot boy mạng "mon men" xâm nhập, tự phong cho mình danh nghệ sĩ. Ngoài ra hiện tượng "lấn sân" cũng khiến showbiz Việt trở nên tạp nham.
Debut với vai trò ca sĩ, Chi Pu lấn sân sang làm "ca sĩ" vào năm 2017. Kể từ thời điểm đó cho đến nay, dẫu tiết lộ tích cực tập luyện, nhưng mỗi dự án mà cô phát hành lại nhận về vô vàn tranh cãi, thậm chí bị chê "thảm họa âm nhạc".
Nói đâu xa, ngày 8/8, Chi Pu chính thức trở lại làng nhạc với MV Black Hickey, thừa thắng xông lên, cô tiếp tục phát hành MV Sashimi. Không nằm ngoài dự đoán, 2 dự án này tiếp tục trượt dài trong tranh cãi. Trong chương trình "Góc nhìn văn hóa" lên sóng kênh VTV1 vào trưa 20/9, Chi Pu bị điểm tên khi nhắc đến chủ đề ca khúc phản cảm, dung tục.
Công bằng mà nói, những dự án của Chi Pu thể hiện rõ sự đầu tư, kết hợp với những nhân vật tầm cỡ trong giới giải trí, tuy nhiên, cô nàng ngày càng đi lệch hướng, hứng trọn gạch đá vì ca từ lệch lạc, cổ súy cho xu hướng tình dục chốn công sở.
Trên mạng xã hội, nhiều bình luận chỉ trích ekip lẫn bản thân Chi Pu. Dù hứng đủ gạch đá, thế nhưng, cô nàng dường như vẫn cố chấp, năm lần bảy lượt khiến ai nấy ám ảnh vì chính bản thân mình. 2 chủ đề thảo luận được đặt ra: Phải chăng Chi Pu muốn đánh bóng hình ảnh bằng thị phi - Bao giờ thì Chi Pu dừng lại.
Hay như Sơn Tùng, nam ca sĩ hot nhất hiện này của Vbiz lại đăng tải MV phản cảm, chứa nội dung bạo lực, cổ súy hành vi tự sát. Sau cùng nam ca sĩ này phải đăng tải bài viết xin lỗi, gỡ bỏ MV và nộp phạt 70 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Từ xưa đến nay, trong showbiz Việt có không ít người dùng danh nghệ sĩ nhưng lại chẳng thực hiện tốt vai trò của mình, thậm chí đi lệch với văn hóa đạo đức. Từ một rapper cho ra ca khúc sặc mùi giang hồ, đâm thuê chém mướn... đến cô người mẫu lấn sân sang đóng phim để rồi ê chề vì bị chê "bình hoa di động".
Điều khán giả cần ở một ngành giải trí là một môi trường trong sạch, nghệ sĩ tiếp tiếp cận với công chúng qua các tác phẩm chất lượng cao chứ không phải vì các thị phi, tai tiếng. Khi được gọi là nghệ sĩ - cá cá nhân cần trau dồi năng lực, sáng tạo, ý thức trách nhiệm với xã hội "lạc lối trong vòng xoáy danh lợi". Đối với các nghệ sĩ dùng chiêu trò "bẩn" để đi lên cần có sự đào thải. Đã đến lúc, ngành công nghiệp giải trí cần có sự khắt khe hơn, dọn sạch "rác".
>>> XEM THÊM: Vy Oanh tuyên bố 'thứ mà không ai có thể lấy được' giữa lúc bà Hằng bị tạm giam, ai nấy chỉ biết sốc
Ảnh: Tổng hợp