Ăn lá hẹ trị bệnh gì? 6 bài thuốc hay từ lá hẹ

Lá hẹ không chỉ là loại rau gia vị mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, được coi như một vị thuốc.

Lá hẹ thường được sử dụng trong nấu ăn. Nó có mùi thơm đặc trưng, tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn. Theo y học cổ truyền, lá hẹ có vị chua và hăng nhẹ, tính ấm. Loại lá này có tác dụng ôn trung, tráng dương, hành khí, tán huyết. Khoa học hiện đại chỉ ra rằng loại rau gia vị này chứa nhiều chất xơ, protein, canxi, phốt pho, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Lợi ích của lá hẹ đối với sức khỏe

  • Tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng

Lá hẹ chứa nhiều chất xơ có tác dụng trong việc hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, tăng nhu động ruột. Nhờ đó, việc tiêu hóa thức ăn được diễn ra hiệu quả hơn, giảm tình trạng khó tiêu, táo bón.

  • Tốt cho tim mạch

Lá hẹ chứa allicin và flavonoid có tác dụng hỗ trợ giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Nhờ đó, vấn đề xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác cũng được ngăn ngừa.

  • Thúc đẩy tuần hoàn máu

Hẹ chứa nhiều protein, chất béo, vitamin C, carotene, canxi, sắt có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu.

  • Trị cảm cúm, chống viêm

Theo y học cổ truyền, lá hẹ có vị cay, tính ấm. Loại thực phẩm này còn chứa nhiều thành phần kháng sinh có tác dụng trong việc ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn, virus gây cảm cúm.

Đối với phụ nữ, lá hẹ còn có ích trong việc điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, ngăn ngừa viêm nhiễm.

Lá hẹ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, được coi như một vị thuốc, có thể trị một số bệnh đơn giản.
Lá hẹ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, được coi như một vị thuốc, có thể trị một số bệnh đơn giản.

6 bài thuốc hay từ lá hẹ

  • Trị cảm mạo, ho do lạnh

Lấy 25 gram gừng tươi, 250 gram lá hẹ rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào bát, thêm ít đường và đem hấp chín. Uống phần nước, ăn phần cái trong vòng 5 ngày để trị cảm mạo, ho do lạnh.

  • Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Mỗi ngày dùng khoảng 100-200 gram lá hẹ để xào, nấu canh hoặc nấu cháo ăn trong các bữa ăn. Lưu ý, sử dụng ít muối hoặc không dùng muối.

Ngoài ra, có thể dùng 100 gram thịt sò nấu canh cùng với 150 gram lá hẹ.

Những món ăn này tốt cho người bị tiểu đường, cơ thể suy nhược.

  • Nhuận tràng

Lấy lá hẹ rửa sạch, để ráo nước rồi rang vàng. Giá nhỏ lá hẹ rang và bảo quản trong hộp kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 5 gram bột lá hẹ hòa với nước sôi để uống. Ngày uống 3 lần, uống trong 10 ngày để cải thiện tiêu hóa.

  • Bổ mắt

Lấy 150 gram dê thái mỏng, ướp gia vị và đem xào chín. Thêm 150 gram lá hẹ tươi vào đảo đều và dùng khi còn nóng.

  • Trị đau lưng, mỏi gối, ăn uống kém

Lấy 100 gram gạo và 20 gram hạt hẹ đem nấu cháo. Ăn cháo hạt hẹ 2 lần/ngày. Một liệu trừng nên dùng trong 10 ngày.

  • Trị ho

Lấy một nắm lá hẹ tươi rửa sạch rồi giã nát và vắt lấy nước cốt. Uống nước lá hẹ (có thể hâm nóng rồi uống) có tác dụng giảm ho, trị viêm họng, khàn tiếng. Ngoài ra, nước của loại lá này cũng có khả năng cải thiện một số vấn đề liên quan đến tiêu hóa như đầy hơi, táo bón.

Lá hẹ hấp trộn với mật ong đem hấp cách thủy cũng là bài thuốc trị ho hiệu quả, có thể sử dụng được với trẻ nhỏ.

Những người không nên ăn lá hẹ

  • Người bị nóng trong

Lá hẹ có tính ấm. Người bị nóng trong ăn loại thực phẩm này sẽ khiến cơ thể sinh nhiều nhiệt, gây ra khô miệng, khó chịu.

  • Người đang điều trị bệnh về mắt

Người bị các bệnh về mắt đang phải điều trị như viêm giác mạc, viêm túi lệ, viêm kết mạc... ăn lá hẹ có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, trong quá trình điều trị, tốt nhất nên tránh ăn lá hẹ.

  • Người dạ dày yếu

Lá hẹ chứa nhiều chất xơ có lợi cho tiêu hóa, giúp chống táo bón. Tuy nhiên, lượng chất xơ trong lá hẹ không dễ tiêu hóa. Vì vậy, người có dạ dày yếu nên tránh ăn loại lá này hoặc sử dụng với lượng nhỏ để không tăng áp lực lên hệ tiêu hóa.

Người đang bị viêm ruột, viêm dạ dày cũng không nên ăn lá hẹ. Ăn lá hẹ trong lúc đang gặp vấn đề về tiêu hóa sẽ sinh nhiệt, làm gia tăng các biểu hiện khó chịu.

Trên đây là một số công dụng của lá hẹ và cách sử dụng chúng trong các bài thuốc dân gian để tăng cường sức đề kháng, trị một số bệnh đơn giản. Bạn có thể bổ sung loại thực phẩm này vào bữa ăn gia đình để cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.