Lợi ích của trứng vịt lộn
Theo nghiên cứu khoa học, trứng vịt lộn có tác dụng bổ huyết, tăng cường trí lực và hỗ trợ sự phát triển của cơ thể. Khi ăn kèm rau răm, món ăn này còn giúp làm ấm bụng, hỗ trợ tiêu hóa và kháng khuẩn.
Gừng tươi cũng đóng vai trò quan trọng, giúp kích thích tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn máu và giải độc thực phẩm. Theo y học cổ truyền, trứng vịt lộn kết hợp với các gia vị này tạo thành một bài thuốc bổ dưỡng, có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu, suy nhược cơ thể, còi cọc, đau đầu, chóng mặt và hỗ trợ sinh lý.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, một quả trứng vịt lộn chứa khoảng 182 kcal, 13,6g protein, 12,4g lipid, 82mg canxi, 212mg phốt pho, 600mg cholesterol, cùng nhiều vitamin A, B1, C, sắt và glucid. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích dinh dưỡng, bạn cần ăn đúng cách và với liều lượng phù hợp.

Những ai không nên ăn trứng vịt lộn?
Dù giàu dinh dưỡng, trứng vịt lộn không phải là thực phẩm phù hợp với tất cả mọi người. Các chuyên gia khuyến cáo:
Trẻ dưới 5 tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, ăn nhiều trứng vịt lộn có thể gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Trẻ từ 5 tuổi trở lên: Chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần, tối đa 1-2 lần mỗi tuần. Việc ăn quá nhiều có thể dẫn đến dư thừa vitamin A, gây vàng da, bong tróc da và ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
Người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch: Trứng vịt lộn chứa lượng cholesterol cao, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sức khỏe.
Người lớn khỏe mạnh: Nên giới hạn ở mức 2 quả trứng vịt lộn mỗi tuần để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và tránh tác động tiêu cực đến cơ thể.
Việc tiêu thụ trứng vịt lộn đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng lợi ích dinh dưỡng mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.