5 bài thuốc tốt từ lá lốt - loại dược liệu quý có sẵn trong vườn

Lá lốt không chỉ dùng trong nấu ăn mà còn là một vị thuốc nam, được dùng để trị nhiều bệnh.

Lá lốt thường được mọi người dùng trong nấu ăn như làm chả lá lốt, mục hấp lá lốt, dùng làm rau gia vị nấu canh, làm món xào.... Ngoài ra, lá lốt cũng là một vị thuốc có tác dụng trị bệnh. Loại lá này có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đâu, hay xuất hiện trong các bài thuốc trị bệnh liên quan đến xương khớp.

Giá trị dinh dưỡng của lá lốt

Nói về giá trị dinh dưỡng, 100 gram lá lốt có thể cung cấp 39 calo, 86,5g nước, 2,5g chất xơ, 4,3g protein, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C. Phần thân và phần lá chứa alkaloid và beta-caryophylen. Trong khi đó, phần rễ của cây lá lốt chứa nhiều benzyl axetat.

Nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong lá lốt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Phần tinh dầu chiến khoảng 0,5-1% khối lượng khô của lá lốt, tạo ra mùi thơm đặc trưng. Tinh dầu này là các hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, piperlolotinon, piperolotin, benzylaxetat, piperolotidin. Các chất này có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, kích thích tiêu hóa.

Bên cạnh đó, lá lốt còn chứa nhiều loại alcaloid như piperin, piperidin, piplartin có tác dụng ức chế hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, các chất này còn có công dụng làm giãn máu, làm ấm cơ thể.

Các loại flavonoid như quercetin, kaempferol, apigenin trong lá lốt có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, ngăn ngừa viêm nhiễm.

Trong y học cổ truyền, lá lốt được sử dụng như một vị thuốc. Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Loại dược liệu này được sử dụng trong các tường hợp rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy, đau đầu, đau răng, đau xương khớp...

Lá lốt có nhiều công dụng với sức khỏe.
Lá lốt có nhiều công dụng với sức khỏe.

Một số bài thuốc từ lá lốt

  • Trị trường hợp chân tay ra nhiều mồ hôi

Lấy khoảng 30 gram lá lốt tươi rửa sạch, đun cùng 1 lít nước trong khoảng 3 phút để các chất hòa tan vào nước. Khi nươc sôi, thêm một chút muối, nấu vài phút cho muối tan thì tắt bếp. Để nước nguội bớt rồi ngâm tay và ngâm chân. Việc ngâm tay, chân trong nước lá lốt ấm trước khi đi ngủ giúp trị chứng chân tay ra nhiều mồ hôi. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.

  • Trị đau xương khớp khi trời trở lạnh

Lá lốt có vị cay, tính ấm, có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp.

Có thể lấy 50-70 gram lát lốt rửa sạch đem xào với 100 gram thịt bò, nêm nếm gia vị tùy khẩu vị. Ăn 2-3 lần/tuần.

Ngoài ra, có thể lấy 20 gram lá lốt (bao gồm cả thân và rễ), 10 gram dây đau xương, 10 gram rễ cây thầu dầu tía. Các loại nguyên liệu này cắt ngắn, sao vàng rồi đem sắc với 600ml. Đến khi nước sắc còn khoảng 200ml thì chắt ra, chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống 1 tuần.

  • Hỗ trợ điều trị phong tê thấp

Lấy 20gram lá lốt, 20 gram cỏ xước, 30 gram cành dâu, 20 gram cà gai leo. Các nguyên liệu này đem cắt ngắn, sao vàng rồi sắc cùng 600ml nước. Nước sắc cạn còn khoảng 200ml là được. Chia nước thành 2 lần uống/ngày, uống liền trong 1 tuần.

  • Trị đau sưng khớp gối, đau vai gáy

Lấy toàn bộ cây lá lốt đem phơi khô rồi sắc nước uống như các loại trà. Uống trong 3 tuần.

Ngoài ra, có thể lấy 30 gram lá lốt, 30 gram lá ngải cứu, 30 gram lá gấc, 20 gram củ gai, 30 gram gừng tươi. Tất cả các nguyên liệu đem rửa sạch, để ráo nước rồi giã nguyễn. Cho nguyên liệu vào bình và thêm rượu trắng. Ngâm rượu trong khoảng 7-10 ngày. Dùng rượu ngâm này để xoa bóp ở vị trí sưng đau.

  • Trị đau bụng do nhiễm lạnh

Lấy 20 gram lá lốt tươi rửa sạch, đem nấu cùng 300 ml nước. Đến khi nước còn khoảng 100ml thì chắt ra, uống khi nước còn ấm. Tốt nhất nên uống trước khi ăn tối.

Trên đây là một số bài thuốc từ lá lốt. Nếu muốn sử dụng loại lá này với mục đích trị bệnh, tốt nhất nên tìm đến các chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng đúng cách, tránh gây ra các tác dụng phụ.