XĂNG, LƯƠNG THỰC TĂNG “PHI MÔ: NGƯỜI LAO ĐỘNG NHỌC NHẰN TÌM KẾ XOAY SỞ

Chiều ngày 10/11/2021, Liên Bộ Công Thương - Tài chính có sự điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao, kéo theo vật giá leo thang, đời sống người lao động bị đảo lộn, gồng gánh nhiều nỗi lo

Đại dịch covid-19 gây ra tổn thất lớn trên tất cả các mặt đời sống xã hội, kinh tế, việc làm… Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa hàng loạt, có nơi phá sản. Người lao động thất nghiệp, hàng ngàn người không thể trụ nổi đành “bỏ phố về quê”.

Áp lực nhân lên gấp bội, khi mới đây Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh tăng giá xăng dầu với mức cao nhất trong vòng 7 năm. Theo đó, giá xăng E5RON92 là 23.660 đồng một lít (tăng 550 đồng), giá xăng RON95-III là 24.990 đồng một lít (tăng 660 đồng).

Biết tin này, Anh Hoàng Chí Minh (33 tuổi, tạm trú quận Bình Thạnh) lắc đầu ngán ngẩm: “Hai vợ chồng làm công nhân may ở hai công ty khác nhau, khoảng cách từ trọ đến công ty gần 30 cây số. Xăng tăng giá chắc sắp tới vợ chồng tôi phải đi chung một chiếc xe để tiết kiệm chi phí”.

xangtang-1636614029.jpg
Giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua (Ảnh: Trung Nghĩa)

Tình trạng khan hiếm lao động xảy ra tại nhiều công ty, doanh nghiệp. Giá xăng, dầu tăng ngay trong thời điểm dịch vẫn còn chưa hạ nhiệt kéo theo hàng loạt vật giá khác cũng leo thang, chi phí đi lại vận chuyển cũng tăng cao dẫn đến tâm lý lo sợ, e dè của người lao động khi quay trở lại thành phố làm việc.

Chị Hoàng Thị Mai làm việc tại nhà máy SamSung cho hay: “Hiện tại công ty mình đang tuyển 2.000 lao động với nhiều chế độ đãi ngộ. Thế nhưng để tìm đủ được số lượng lao động đó từ đây cho đến cuối năm thì thật sự rất khó. Theo mình nghĩ giá xăng tăng cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến cho người lao động ngại đi làm, bởi giờ trở lại thành phố phải gánh gồng đủ thứ chi phí như tiền gas, tiền ăn, nhà trọ, chi phí đi lại…”

Theo tìm hiểu của phóng viên Trung Nghĩa, giá thực phẩm tại hầu hết các chợ truyền thống kể cả chợ đầu mối và chợ tự phát đều tăng. Giá gas chạm ngưỡng 500 nghìn đồng/bình sau 9 lần tăng giá. Dự báo, trước tác động khan hiếm năng lượng trên toàn cầu, tiếp tục đẩy giá xăng dầu tăng.

thucphamtang-1636614029.jpg

Sức mua thực phẩm tại các chợ giảm mạnh. (Ảnh: Trung Nghĩa)

Chị Hoàng Minh Anh (45 tuổi), nhân viên văn phòng tại TP.HCM tâm tư: “Trong đợt dịch qua, tôi thường mua hàng tại các siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm do chợ đóng cửa. Bây giờ chợ hoạt động trở lại nhưng giá lại cao gần bằng siêu thị. Lương thì vẫn vậy mà giá cả hàng hóa cứ tăng chóng mặt. Cứ đà này, chắc gia đình mình phải cắt giảm chi tiêu”.

Bình ổn giá cả thị trường là nguyện vọng chính đáng của người lao động nhất là sau một đợt đại dịch lớn với vô vàn những gánh nặng oằn vai.

Trung Nghĩa