FIFA đã dành ba năm qua để nghiên cứu Công nghệ xác định việt vị bán tự động (SAOT) dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI). Nó đã được thử nghiệm tại Cúp thế giới các CLB hồi tháng 2 vừa qua, nơi mà Chelsea đã lên ngôi, và đến nay đã được phê duyệt để áp dụng tại World Cup 2022 tới đây.
Theo ESPN, mục đích của SAOT là nhằm giảm thời gian cần thiết để thực hiện các tình huống VAR xác định việt vị. Trung bình mỗi lần xem lại pha bóng như vậy sẽ tiêu tốn 70 giây và giờ được kỳ vọng sẽ giảm xuống còn 25 giây.
Trong khi công nghệ VAR hiện tại đang sử dụng camera truyền hình để xác định và ra quyết định việt vị thì với SAOT, 12 camera sẽ được đặt riêng lẻ dưới mái che của sân vận động.
Hệ thống 'mắt thần' này sẽ tối ưu khả năng theo dõi tất cả 22 cầu thủ trên sân. Chúng sẽ ghi lại chính xác 29 điểm dữ liệu trên tất cả các bộ phận bao gồm cánh tay trên, ngón chân, đầu gối và đầu... để hệ thống có thể tính toán vị trí chính xác của một cầu thủ tại bất kỳ thời điểm nào trong trận đấu.
Điểm nhấn của SOAT còn nằm ở trái bóng thi đấu chính thức năm nay do Adidas sản xuất có tên "Al Rihla". Cụ thể, quả bóng này sẽ được trang bị một cảm biến bên trong có chức năng gửi dữ liệu với tốc độ 500 phiên/giây. Điều này sẽ giúp hệ thống SOAT phát hiện điểm rơi của bóng trong các tình huống đá phạt hay việt vị chính xác hơn so với công nghệ VAR truyền thống ( bị giới hạn 50 khung hình/giây).
Dữ liệu sẽ được gửi về phòng VAR, nơi có 8 chuyên viên điều hành mỗi trận đấu để tư vấn cho các trọng tài chính trên sân. Đó cũng là lý do công nghệ này không được gọi là 'Robot trọng tài' mà chỉ là bán tự động. Bởi SOAT sẽ chỉ tự động ghi lại dữ liệu còn quyết định sau cùng vẫn thuộc về các vị vua áo đen.
Ngoài ra, các tình huống việt vị cũng sẽ được mô phỏng thành hoạt ảnh 3 chiều và được phát trực tiếp lên màn hình lớn trên sân cũng như TV để cung cấp góc nhìn chính xác nhất cho khán giả.
FIFA muốn 'cải tiến' bóng đá bằng luật bóng rổ?
FIFA ra quyết định tại World Cup mọi HLV vui, riêng HLV tuyển Anh phản đối