Tại buổi họp báo liên quan đến vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra chiều 20/7, nhiều câu hỏi được đặt ra về nguyên nhân tai nạn và trách nhiệm quản lý. Đại diện các cơ quan chức năng đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, trong đó có nội dung về khả năng khởi tố vụ án và tình hình cứu hộ, cứu nạn hiện nay.
Có khởi tố vụ án hình sự để điều tra không?
Cho tới nay thông tin xác định trên tàu gặp nạn có 46 hành khách, 3 thuyền viên. Hiện đã cứu 10 người, vớt được 35 thi thể, còn 4 người mất tích. Thông tin số nạn nhân khiến cả nước bàng hoàng. Câu hỏi đặt ra là có khởi tố vụ án không?
Trả lời báo chí về khả năng khởi tố vụ án, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ và xác minh thông tin liên quan đến vụ tai nạn. Việc có khởi tố hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, nếu đủ căn cứ pháp lý sẽ xử lý theo đúng quy định.

Hiện nay, toàn bộ lực lượng đang dồn sức cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng đã thức trắng đêm để tìm kiếm các nạn nhân. Khi có kết luận chính thức, sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.
Cố gắng cứu nạn tìm người mất tích trước khi bão vào
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Công – cho biết ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, lực lượng biên phòng đã có mặt tại hiện trường chỉ sau khoảng 15 phút. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan, thông tin truyền đạt đến lực lượng chức năng có phần chậm trễ, ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng ban đầu.
Về việc không sử dụng trực thăng cứu hộ, ông Công lý giải rằng khoảng cách từ bờ đến vị trí tàu gặp nạn chỉ mất 15–20 phút đi tàu. Trong khi đó, sử dụng trực thăng gặp nhiều hạn chế như không thể hạ cánh, dễ gặp rủi ro trong điều kiện thời tiết xấu, nên chưa cần thiết trong tình huống này.
Đối với 4 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy, ông cho biết ngày 20-7, tỉnh đã huy động 269 nhân lực và 51 phương tiện để tổ chức tìm kiếm liên tục.
Thời tiết có bất thường, nhưng tàu đã xuất bến trước khi có cảnh báo
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh – ông Bùi Hồng Minh – thông tin thêm rằng bộ phận cảng vụ đã ký hợp đồng với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn để nhận bản tin ba lần mỗi ngày.
Trong ngày 19-7, các bản tin vào sáng và trưa đều không cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm, chỉ ghi nhận gió cấp 2 – cấp 3. Tuy nhiên, đến 13h30 cùng ngày, Trung tâm Dự báo phát đi thông báo bổ sung về khả năng xảy ra dông lốc. Lúc này, tàu đã rời cảng.
Ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo mới, cảng vụ đã ngừng cấp phép cho tất cả các tàu du lịch còn lại và lập tức thông báo tới các chủ tàu để chủ động ứng phó.
Nạn nhân có mặc áo phao không?
Một số phóng viên đặt câu hỏi về quy định mặc áo phao và tiêu chuẩn an toàn đối với tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Ông Minh cho biết, hiện toàn bộ tàu du lịch tại đây đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao hơn mức quy định quốc gia. Cụ thể, tàu Vịnh Xanh – chiếc tàu gặp nạn – có hệ số ổn định 2,3, trong khi mức quy chuẩn chỉ là 1.
Về việc hành khách có bắt buộc mặc áo phao hay không, ông Minh dẫn quy định hiện hành: chỉ các phương tiện vận tải hành khách ngang sông mới yêu cầu bắt buộc mặc áo phao suốt hành trình. Với các hành trình du lịch dài hơn, thuyền trưởng sẽ quyết định việc yêu cầu hành khách mặc áo phao tùy theo mức độ rủi ro.
Ông cũng cho hay: Trong quá trình trục vớt, cơ quan chức năng ghi nhận 80–90% nạn nhân được đưa từ tàu ra đều mặc áo phao, điều đó cho thấy thuyền trưởng đã kịp thời cảnh báo và yêu cầu hành khách chuẩn bị ứng phó tình huống nguy hiểm.
Sự việc tàu Vịnh Xanh bị lật là một tai nạn không may, nằm ngoài dự đoán, không thể cảnh báo kịp thời về thời tiết do dông lốc xảy ra. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ các nạn nhân theo đúng quy định và kêu gọi thêm sự giúp đỡ từ mạnh thường quân.