Vang mãi điệu Hò khoan Lệ Thủy

Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến Hò khoan Lệ Thủy, với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi. Làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân nơi đây.

Với những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, hò khoan Lệ Thủy đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

87-1633687971.jpg

Một tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy.

Tiếng hò trên quê hương Đại tướng

Làn điệu dân ca Hò khoan Lệ Thủy là lời tâm tình được xướng lên trong sinh hoạt cộng đồng, trong những đêm trăng, bên chiếc cối gạo, trong khi đi cấy, bên những bến sông…có lúc là lời tự sự trữ tình của những người mẹ, người bà để thể hiện tâm trạng của mình. Hò Khoan Lệ Thủy gồm có chín làn điệu (chín mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì, hò nậu xăm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).

Trước đây, người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, đưa người chết lên với đồi núi, quết vôi, nện cươi (nện sân), nện móng nhà xây, dựng đền chùa với ngụ ý cầu mong cho cuộc sống thanh bình, xóm thôn yên ổn, quê hương ấm no. Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng, nhằm an ủi, động viên nhau trước cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mong ước cuộc sống no ấm, sung túc. Hò mái ba lúc chèo đò, chèo nốc đưa đám để cầu mong tình duyên đôi lứa viên mãn, con đàn cháu đống. Hò khơi được sử dụng khi đánh cá, hò lĩa trâu hò khi làm khi kéo gỗ. Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hai bên nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc đêm đêm hát đối đáp thi giữa các làng, có khi là cùng một làng nhằm kết tình hữu hảo, có khi là tìm bạn tình. Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị và rất gần gũi, trìu mến. Lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc. Qua hành trình hàng trăm năm phát triển, từ những làn điệu cơ bản, các nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo thêm các lối hò như: Giao duyên, nhân nghĩa, điển tích, ghễnh ghẹo … Điệu hò rất phong phú, mỗi xã ở Lệ Thủy có cách hò và sự luyến láy khác nhau.

Cũng như nhiều loại hình diễn xướng khác, hò khoan dần được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, hoặc dùng trong lúc nông nhàn. Điều độc đáo ở hò khoan Lệ Thủy, là chỉ sử dụng nhạc cụ: trống, đàn nhị, đàn bầu, kèn khi biểu diễn trên sâu khấu. Còn thông thường, nhạc đệm là công cụ lao động như chày giã gạo, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà, hay tiếng vỗ tay lấy đà bắt nhịp, tạo ra âm thanh mộc mạc, gần gũi, quen thuộc. Đặc biệt, ở Hò khoan Lệ Thủy, người Xố cũng có thể là người Hò và người Hò đổi thành người Xố.

Khi vui hò hò đã đành, lúc buồn hay lúc lao động mệt nhọc, người dân cũng hò. Điều đó làm nên cái da diết, cháy bỏng, day dứt của những điệu hò khoan. Trong hàng nghìn câu hò cổ mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được, có thể thấy nội dung đề cập rất phong phú, nói về nhân tình, thế thái, sự đời, cho đến tình cảm, giao duyên, thậm chí là một chút trách cứ, than phiền. Nhưng bao trùm vẫn là tình yêu đất nước, quê hương, tình yêu lứa đôi sâu nặng, nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa. Người Lệ Thủy dù đi đâu về đâu không ai không thuộc, không nhớ lời giao duyện mặn nồng này: “(Nữ): Thiếp gặp đặng chàng dạ mừng hớn hở/Chàng gặp đặng thiếp như mà hoa nở trên bồn/Nghiêng tai mà hỏi với trai khôn/Thầy mẹ ở nhà đã sửa chậu xây bồn mô chưa? ; (Nam): Anh nỏ thiếu chi nơi màn loan chiếu kế/Nỏ thiếu chi nơi mà cao bệ giường/ Em đừng chê anh nghèo mà tráo đấu thưng/Em chớ nghe thầy với mẹ/Khiến em đừng có thương anh!”

Đưa Hò khoan Lệ Thủy vào trường học

Từ ý tưởng đến những việc làm cụ thể nhằm đưa Hò khoan Lệ Thủy vào trường học phải kể đến thầy giáo Võ Vĩnh Hào – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lệ Thủy- người đã có những định hướng, cách tiếp cận khoa học để duy trì, phát triển bản sắc văn hóa Lệ Thủy đến với công chúng lẫn giới trẻ. Bắt đầu từ cuộc gặp duyên nợ vào những năm 2000 giữa đồng chí Đặng Thái Tôn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian (VHDG) Đặng Ngọc Tuân khi bản thảo lần cuối cuốn sách Hò khoan Lệ Thủy sắp xuất bản với lời đề nghị đưa vào trường học. Như được đánh thức mong muốn đã ấp ủ, đồng chí Đặng Thái Tôn đã mời các đồng chí lãnh đạo phòng GD&ĐT đến để bàn chuyện. Nào ngờ, đó cũng là nỗi niềm trăn trở, day dứt của tập thể lãnh đạo ngành khi nhìn thấy nhiều cách làm hay của các tỉnh bạn để đưa dân ca, nhạc cổ truyền đến với giới trẻ nhằm đánh thức di sản văn hóa tinh thần có nguy cơ mai một.

Mong muốn của những người có tâm huyết với Hò khoan Lệ Thủy đã gặp nhau. Sau khi tìm tòi, tham khảo các mô hình hay về cách đưa hát Ví giặm Nghệ - Tĩnh, Quan họ Bắc Ninh vào trường học, lãnh đạo Phòng GD&ĐT đã đi đến quyết định đúng đắn với quyết tâm đưa Hò khoan Lệ Thủy phổ biến trong lứa tuổi học sinh với 05 nội dung chính gồm: tập huấn về hò khoan cho đội ngũ giáo viên ở các trường; sưu tầm những làn điệu, bản ghi âm ghi hình từ các câu lạc bộ, nghệ nhân; xây dựng trang web riêng về Hò khoan tại địa chỉ http://hokhoanlethuy.edu.vn; Phòng GD&ĐT xúc tiến việc thành lập Câu lạc bộ Hò khoan ở các trường học và tổ chức liên hoan Hò khoan thường niên ở các cấp học.

Được sự chỉ đạo, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục huyện Lệ Thủy đã khẩn trương thực hiện từng bước các nội dung ở tất cả đơn vị trường học trên địa bàn và đây là bước đột phá quan trọng để bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa đặc sắc này trên quê hương đã sản sinh ra nó. Đặc biệt, vào tháng 11/2012, Phòng GD&ĐT đã tổ chức liên hoan dành cho học sinh khối tiểu học lần thứ nhất với chủ đề “Em hát dân ca” và thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn người. Liên hoan đã làm dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung. Để thổi bùng thêm ngọn lửa phong trào và nâng cao chất lượng, năm 2013, khi cuốn sách Hò khoan Lệ Thủy chính thức phát hành, Phòng GD&ĐT đã mời nhà nghiên cứu, tác giả cuốn sách về mở lớp tập huấn và tặng hơn 100 cuốn sách cho các trường trên địa bàn. Cũng trong dịp này, Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Đặng Ngọc Tuân đã có buổi nói chuyện về hò khoan cho các cán bộ quản lý, học sinh tại Nhà văn hóa huyện Lệ Thủy, thu hút hàng ngàn người tham gia, đồng thời tạo ra được làn sóng yêu thích tìm hiểu Hò khoan Lệ Thủy trong cán bộ giáo viên cũng như người dân huyện nhà.

Từ đó đến nay, Liên hoan “Em hát dân ca” đã trở thành hội diễn văn nghệ truyền thống cho cả ba bậc học: Trung học cơ sở, tiểu học, mầm non nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Có thể nói rằng, đây là hoạt động sôi nổi ở các trường học cũng như đối với công chúng yêu chuộng loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc này.

Vang mãi hò khoan xứ Lệ

Sau nhiều lần tổ chức Liên hoan “Em hát dân ca”, các Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy ở từng trường hoạt động thường niên ngày càng có chất lượng. Mức độ đầu tư cho tiết mục của các trường học cũng được chú trọng hơn như trang phục, đạo cụ, trang điểm, hóa trang… tạo cho khán giả một cái nhìn đa sắc màu về văn hóa truyền thống của quê hương xứ Lệ. Có lẽ cũng chính vì điều này mà lượng khán giả đến với Hò khoan Lệ Thủy cũng đông hơn, đều hơn và đã thu hút các tầng lớp xã hội tham gia. Có thể nói, việc dạy hát dân ca và thành lập Câu lạc bộ Hò khoan trong trường học trở thành việc làm bổ ích, cần thiết nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại, qua đó giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý “kho báu” của quê hương xứ Lệ anh hùng.

Cho đến thời điểm trước đại dịch Covid 19, thông qua các đợt lưu diễn, giao lưu, Hò khoan xứ Lệ đã đến với khán giả Thủ đô Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh và tin rằng một ngày không xa, các nghệ nhân Hò khoan sẽ vinh dự đứng biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Để có được những thành quả quý báu này phải nhắc đến những con người tâm huyết và có duyên với làn điệu dân ca, đó là Nhà nghiên cứu VHDG, nhà giáo mẫu mực Hoàng Đình Luyện, Nhà nghiên cứu VHDG Đặng Ngọc Tuân, Nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Hùng Vĩ, và nhiều thầy cô giáo của ngành GD&ĐT huyện Lệ Thủy...

Việc Hò khoan Lệ Thủy được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Lệ Thủy nói riêng mà còn là vinh dự của tỉnh Quảng Bình nói chung. Tin tưởng rằng, với những giải pháp thiết thực, bền vững với việc đưa Hò khoan Lệ Thủy vào giảng dạy trong các trường học, thời gian tới, Hò khoan Lệ Thủy sẽ được tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo trên quê hương Đại tướng.