Từ 1/7/2025: Người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 15 năm sẽ được hưởng lương hưu

Theo quy định, từ tháng 7/2025, người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu khi có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên.

Bảo hiểm xã hội là gì?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (Luật số 41/2024/QH15) giải thích mới nhất và cụ thể về khái niệm bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:

Bảo hiểm xã hội (Social Insuarance) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia BHXH khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ BHXH hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Thông qua việc đóng góp một phần tiền lương hàng tháng, người tham gia BHXH cùng đóng góp vào quỹ BHXH.

Quỹ này được quản lý trên nguyên tắc tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch và được sử dụng cho mục đích chi trả các quyền lợi BHXH cho những người tham gia khi cần thiết, đảm bảo đúng đối tượng và được hạch toán độc lập theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật BHXH 2024.

Bên cạnh đó, việc thực hiện BHXH theo nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ các quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng chế độ BHXH.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH; thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật BHXH 2024.

Người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 15 năm sẽ được hưởng lương hưu
Người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 15 năm sẽ được hưởng lương hưu

Người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 15 năm sẽ được hưởng lương hưu

Theo quy định mới nhất về hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm tự nguyện - đó là từ 1/7/2025 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu với điều kiện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 15 năm trở lên.

Về mức lương hưu hàng tháng: Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định, người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là ai?

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội cả nước đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 42,71% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,3 triệu người, đạt khoảng 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Một số đối tượng có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố; Người lao động giúp việc gia đình; Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.

Ngoài ra, còn có xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm; Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu; Người tham gia khác đáp ứng đủ điều kiện.