Làng Liêu, thân dài nhưng mỏng mình trông hệt như con cá Khoai nằm thiu thiu ngủ dưới chân đê sông Cái. Đầu làng gối lên cống Cát, đuôi chạm đến tận gốc cây đa đình làng Hạ. Cống Cát chui xuyên qua đê, hiện ra ở giữa hai bụi tre già như một cái đầu con rồng, há mồm nhả nước vào con sông đào bằng tay, dấu tích tháo chạy của đoàn quân thất trận của Vua Ba Vành năm xưa. Dòng nước mát chảy uốn quanh trước làng Liêu, lượn qua nhà thờ Thủy Nhai, xuôi Nhiêu Đông, rồi tụ lại ở đầm Keo nằm giữa cánh đồng trũng của làng Ngọc Thiện. Vì vậy, Ngọc Thiện đất đai phì nhiêu, màu mỡ giầu có nhất vùng.
Chùa làng Liêu mới trùng tu còn thơm nồng mùi sơn vữa, ẩn mình dưới bóng tre râm mát. Tháp chuông uy nghiêm, lặng lẽ soi mình xuống dòng sông quê sóng sánh gương trời. Cũng chẳng ai còn nhớ tháp được xây vào năm nào, chỉ nghe kể lại rằng cơn bão 24 tháng 6 năm ấy, trời vần vũ có vài canh giờ mà ngôi tháp bề thế nhất vùng đã bị quật đổ. Cát bụi cuốn bay mù mịt phủ kín cả một vùng. Sỏi đá bị phong ba vo tròn rồi ném tuốt xuống hơn mười mẫu ruộng, biến cánh đồng Thoi thành gò đống, cằn cỗi, hoang vu. Làng Liêu thiếu ruộng cày cấy là vậy mà chịu không thể nào khai khẩn được, đành để hoang hóa, lâu dần biến thành nghĩa địa để chôn kẻ vô gia cư, vô thừa nhận. Còn dân sở tại sợ sỏi đá làm hao cốt, nên không một ai nỡ mai táng người thân ở đấy. Trong sắc phong chùa Liêu, vua Tự Đức có nhắc đến ngày tháp chuông bị đổ, vì lo sợ Trời Phật không thuận nên để chùa hoang phế tròn mười tám năm sau mới xây cất lại. Tuy quy mô ngôi chùa mới chỉ bằng một phần ngôi chùa cũ, nhưng hình hài vẫn được giữ nguyên như cũ. Có lẽ vì chùa có một tháp chuông nên dân làng thuận miệng mà gọi là chùa Một.
Sư Cụ trụ trì chùa Một đã ngoài bảy mươi. Mấy chục năm nhặt nhạnh từng “giọt dầu” của khách thập phương đến vãn cảnh chùa, cũng như tiền công đức, tiền hà tằn hà tiện của Sư Cụ, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, khoản tiền gom lại đã lên tới bạc tỷ. Năm nay mưa thuận gió hòa, Sư Cụ cho trùng tu lại tháp chuông, sơn vẽ lại tượng Phật, công việc tiến hành ròng rã ngót nửa năm mới hoàn thành. Nhằm ngày rằm nguyệt hạ, tiết thu mát mẻ, Sư Cụ chủ trì lễ khánh thành để rước Phật lên đài sen. Ngày khánh thành chùa Một thật huyên náo, cờ phướn rợp trời, trống chiêng rộn rã, cụ già mắt sáng rạng ngời, trẻ thơ cười vang khắp xóm. Khách hành hương ai ai cũng kháo nhau về chuyện cô An vợ anh phó cối ngày xưa, bây giờ thành bà An sa-suya Việt kiều Pháp đã phát tâm công đức mấy trăm triệu đồng để tu bổ chùa làng.
Ngày còn trẻ, bà An tên là Gái, con bà Mão bán bún ốc ở chợ Cát Xuyên. Cô đẹp người, đẹp nết, dáng dong dỏng cao, tóc đen dài chấm thắt lưng bao, gương mặt trái xoan với nước da trắng hồng mịn màng xuân sắc, trông cô thật phúc hậu, đoan trang. Tiếc rằng đôi gò má của cô hơi cao, lại thêm một nốt ruồi đen bằng hột đậu xanh nằm ngay giữa chừng nơi nước mắt chảy qua - nốt ruồi “thương phu thích lệ” tức là nốt ruồi cắt ngang giọt lệ khóc chồng, nên cô sẽ thiệt về đường chồng, đường con. Bởi vậy, kén mãi đến năm hai mươi bốn tuổi cô mới đi lấy chồng. Nhưng chưa trả hết nợ cưới treo cho làng thì phó An chồng cô tự nhiên lăn đùng ra chết, chỉ vì hắn lấy trộm mấy viên gạch của chùa Liêu về lát cầu ao. Chồng cô làm nghề đóng cối xay nên gọi là An phó cối, nhưng cho đến chết hắn vẫn thích được gọi bằng phó An. Gọi vậy, người không biết tưởng hắn làm phó lý! Cái tính “làm lính nhưng tính quan” của chồng đôi khi cô vợ cũng được thơm hão. Làng Liêu ít ruộng, ít đất, nên nghèo. Hết mùa là hết thóc, lấy đâu ra thóc lúa mà xay. Nên cả năm phó An chỉ đóng được một, hai cái cối đã hết việc, bởi vậy khi chết bất tử trong hầu bao của hắn chẳng có nổi một xu, một cắc. Bấn quá cô vợ đành liều mà nhận lời lấy ông quan Đốc-tơ người Pháp đóng ở đồn Lạc Quần để có tiền mai táng cho chồng. Ngày ấy, gái ta mà lấy chồng Tây là cả một sự trái khoáy, làng xóm ỉ eo, chê cười. Biết vậy, nhưng cô vẫn đành nhắm mắt đưa chân, “coi như chị đã qua sông đắm đò”. Từ đấy cô mang tên người chồng xấu số. An chít khăn xô tang chồng chưa cạn trăm ngày, thì có tin đình chiến. Cô gạt nước mắt, từ bỏ quê hương để theo ông Đốc đáp máy bay Đa-cô-ta vào Sài Gòn rồi bay về Pháp để ông Đốc kịp chuyến công cán Phi Châu.
Nhưng thật trớ trêu, Ở Phi Châu chưa đầy một năm thì ông Đốc chẳng may bị ruồi vàng đốt, người ngợm xưng vù như con bò mộng. Ông Đốc chết ở bệnh viện Gan-Đa. Bà An đưa tro cốt của chồng về sứ Măng mai táng, rồi bà định cư luôn ở đây cho đến tận bây giờ.
Nhớ những ngày đầu cơ cực ở sứ Măng mà sởn gai ốc. Ông Đốc là trẻ mồ côi được nuôi trong tu viện sứ Măng. Tốt nghiệp lớp y sỹ cấp tốc, ông được đưa sang Đông Dương phục vụ chiến tranh. Ở Việt Nam ông lấy được bà An cũng là điều may mắn. Ông thiệt mạng ở Phi Châu, tro cốt được hồi hương cũng là nhờ một tay của bà. Hiềm một nỗi, sứ Măng được coi là quê hương, nhưng ông không đất, không nhà, không người thân thích. Có chăng, là ngôi nhà Thờ Đức Mẹ, nơi đã nuôi dạy ông suốt cả thuở thiếu thời. Ở quê chồng, bà An bị coi là gái An-Nam, gái da vàng thuộc địa. Chữ nghĩa, tiếng tăm không biết, nên bà giống như kẻ vừa câm lại vừa điếc, lạc loài nơi đất khách quê người. Sống bơ vơ, vất vưởng làm đủ mọi nghề như rửa bát, làm vú em, bới rác… “hai tay vầy lỗ miệng” mà vẫn không đủ ăn. Đói khát, túng bấn quanh năm nên bà không còn biết ngày giỗ, ngày tết là gì. Rồi một đêm tuyết phủ trắng sứ Măng, trời lạnh thấu xương, bà nằm trơ trọi một mình với cái bụng lép kẹp nên không tài nào ngủ được. Bà nghĩ miên man, miệng thèm đủ thứ của quê nhà, thèm mớ rau muống luộc chấm mắm chanh, thèm vại dưa muối, thèm con tôm con tép ngoài đồng… và trời ơi! Bà thèm quê, thèm cả nỗi khổ đau của những người thân thích…Như trời xui, đất khiến thế nào mà bỗng nhiên bà nhớ lại cái ngày làm bánh “xu-xê” tức là bánh “phu thê” cho đám cưới cậu Ba con ông chánh tổng giầu nhất làng Hạ. Bà nhớ cái vị ngọt diu diu chưa tới đầu lưỡi đã tan biến của bánh xu-xê mà thèm. Rồi bà nảy ra ý định làm bánh xu-xê. Vậy là chẳng bao lâu, bằng bột lọc, bằng đường kính… bà An đã chế tác ra loại bánh xu-xê kỳ diệu, bánh vừa làm ra bán mở hàng đã “đắt như tôm tươi”. Lâu dần, cả sứ Măng nghiện bánh xu-xê của bà. Từ đó, bà An sống tươm tất trên đất Pháp bằng nghề làm bánh Phu thê, bánh tình bánh nghĩa, bánh vợ bánh chồng của quê hương đất Việt. Vài năm sau đó, bà lập xưởng sản xuất bánh xu-xê với gần bốn mươi thợ, cả tây lẫn ta. Họ làm cật lực hai ca mỗi ngày mà bánh vẫn không đủ để bán. Bà đặt tên cho xưởng bánh là “An xu-xê”. Đức Cha địa phận sứ Măng nói: từ “xu-xê” trong tiếng Pháp không được đẹp, Đức Cha đọc trệch đi thành An Sa-Suya, nên từ đấy xưởng bánh mang tên “An Sa-Suya” chứ tên bà có phải đặt theo Làng Tây, làng Tàu gì đâu.
Bà An luôn ngậm đắng nuốt cay trong lòng về thân phận bèo dạt, mây trôi, khổ hạnh bẽ bàng của mình nên mấy mươi năm tha hương, bà tuyệt không có ý định trở về Việt Nam. Nhưng vài năm nay, nhiều người ở sứ Măng về thăm tổ quốc kể lại với bà rằng: ở quê nhà giờ đây ấm no, hạnh phúc, dân tình hiếu thuận, nhân từ. Chùa chiền nguy nga, tráng lệ tha hồ hành hương, thờ phượng. Nghe vậy, bà An thấy hởi lòng, hởi dạ nên suy nghĩ, đắn đo mất ngủ mấy đêm liền. Rồi bà quyết định thu xếp công việc xưởng bánh, dành hẳn một tháng để trở về thăm quê, nơi chôn nhau cắt rốn của bà.
Vào một buổi sáng ấm áp, thanh thản trong lòng, bà An đánh xe riêng đến nhà băng ở Paris làm thủ tục rút một khoản tiền lớn mà bà tích cóp bao năm nay để chi dùng cho chuyến lần đầu trở lại cố hương. Âu cũng là một công đôi ba việc đối với bà.
Từ trên máy bay, bà An nhẩm tính những việc cần phải làm, tiền bạc gói gém phân chia thật cẩn trọng, chi dùng cho phải phép, để tránh điều ong tiếng ve, có khi làm ơn lại mắc oán. Khí lạnh trong khoang máy bay càng làm lòng bà thêm lạnh, thêm se sắt như xát muối vào ruột, vào gan. Bà ngả lưng vào ghế đệm ngẫm ngợi, thương cho thân phận ông An, người chồng quá cố của bà đã chết yểu, không áo quan chỉ cuốn độc một manh chiếu cũ. Chắc ở dưới âm tào địa phủ ông ấy lạnh lẽo và đói khổ lắm đây. Bà không dám nghĩ tiếp nữa, bà giấu tiếng thở dài như thể nuốt nước mắt vào lòng. Nỗi niềm đau đáu nhất trong lòng bà là được thành tâm cung tiến chùa Làng một khoản công đức bằng nửa số ngân xuyến mà bà đem về. Trước là để góp chút lòng thành dâng lễ góp phần tu bổ lại ngôi chùa làng. Sau là cúi xin Thần Phật xá tội cho chồng bà tự là Nguyễn Phúc An, do cùng quẫn, tối tăm ngu muội mà mạo phạm đến cửa Ngài, mong ngài đại xá.
Xuống đến sân bay, bà An thuê xe chạy thẳng về làng. Bà An được Sư Cụ cho ở tạm trong phòng khách nhà chùa mới xây. Bà trình ý nguyện với Sư trụ trì, để chọn ngày lành làm lễ cung tiến ba trăm, năm chục triệu đồng tiền Việt vào việc tu bổ chùa Liêu. Cũng là trùng phùng đạo nghĩa, việc tu bổ chùa Liêu do giá cả bỗng lên cao vót, một số hạng mục vì thế mà chưa thật hoàn mỹ, nếu có thêm số tiền bà An cung tiến thì ngày khánh thành chùa Liêu Sự Cụ không còn phải băn khoăn gì nữa. Bởi vậy khi nghe bà An ngỏ lời, Sư Cụ đã cảm kích mà khen rằng: Đức Phật Tổ sẽ ghi nhận tấm lòng thành của con.
Việc khởi đầu thật là thuận như ý nguyện. Bà An xin được mượn tiếng nhà chùa trình địa phương làm thủ tục cải táng và lập đàn siêu độ cho chồng. Mọi việc hiếu nghĩa của bà đều được địa phương và bà con xóm giềng tạo điều kiện giúp đỡ nên bà An ở quê mới gần một tháng, sống trong tình làng nghĩa xóm bà như trẻ lại thời còn con gái. Lòng dạ của bà giờ đây chín phần không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bỗng nhiên bà An tính đến chuyện hồi hương, để khi về già còn có chị có em, có bà con lối xóm khi tắt lửa tối đèn… Sở nguyện ấy sẽ thành sự thật, nếu không có sự trớ trêu xảy ra ngay trong cái ngày bà An tưởng là êm đẹp nhất trong đời mình.
Nắng quái chiều hôm chiếu xuyên khoai xuống những mấm mộ hoang nắm khụm vào nhau tận phía cuối con mương, làm cho cánh đồng Thoi như nghiêng cả về đằng Tây. Ánh nắng vàng úa hắt vào từng thân cây táo rừng màu nâu đen và tua tủa gai, bóng hằn lên đám cỏ tranh héo khô, trắng bợt trông hệt như những nhát dao chém nát từng ngôi mộ. Cả một vùng sỏi đá trộn lộn với nhau chỉ có loài cỏ dại mọc chen chúc, xoắn xuýt, vón hòn vào nhau như tổ chim lềnh đềnh, đụn cây cỏ dại ấy được gọi là mả hoang, đánh dấu nơi cư ngụ cho hơn chục linh hồn vô thừa nhận. Xót thương thay chúng ở sát gần làng mà như bị bỏ quên. Một con mương tự tạo chảy vắt qua mấy ngôi mộ để dẫn nước từ sông vua Ba Vành chảy vào tưới mát cho cánh đồng Giữa, lúa mướt xanh ba vụ đủ nuôi sống cả dân làng Liêu. Bà An rợn người, ngơ ngác trước cảnh hoang dại mà không thể hình dung ra ngôi mộ người chồng quá cố ở đâu. Rồi bà định thần, tự trong xa thẳm, lờ mờ hiện ra một nấm đất nằm bên phải con mương, bà nhớ lại hôm đưa ông ra đồng, hình như bà bị ngã úp mặt xuống bờ con mương này…ngôi mộ nằm áp sát bên con mương kia, cỏ dại giăng đầy có vẻ hao hao như trong trí nhớ của bà.
Đã đến giờ động thổ mà mọi người vẫn đoán già đoán non, không biết mộ ông An nằm đâu. Chỉ có thằng cha Khái thọt thì mồm năm miệng mười. Vớ được thuốc lá “chùa” hắn tóp má hút hết điếu này đến điếu khác, phả khói mù mịt, vừa ho, vừa nói liến thoắng. Hắn bị thọt vì hồi lên Hà Nội học công nhân cơ điện, hôm nhập trường hấp tấp thế nào mà tàu chưa đỗ đã nhảy xuống nên bị bánh xe tàu điện cán gẫy chân ở ga Cầu Mới gần Hà Đông. Ngót ba tháng trời “đốt tiền” ở Bệnh viện Phủ Doãn hắn mới đi lại được, rồi bỏ học về làng bám váy đụp, ăn báo cô mẹ già. Ấy vậy mà đi đâu hắn cũng nói phét là thương binh thời chống Pháp. Hôm nay, cũng chẳng ai khiến, thế mà hắn cũng mò ra để xí phần. Khái thọt đưa mắt liếc mọi người rồi giơ tay chém gió thật mạnh, lớn tiếng quả quyết trăm phần trăm rằng ngôi mộ bà An ngờ ngợ kia đúng là mộ ông An rồi. Hắn nói cứ như thật, rằng hồi cải cách, người đi chợ Cát Xuyên muốn gần đường thì đi tắt qua hoang táo rừng. Họ còn nhặt đất ném vào mả để tránh vía ma, chính vì thế các vị nhìn xem mả lão An to hơn các mả khác, gọi là mả ông Đống là vì thế, các vị đã hiểu chửa? Nghe lão Khái thọt nói xem ra có lý, mọi người có vẻ vững dạ. Bà An cũng thuận ý theo. Anh Rao phó thôn, hiền lành chất phác, từ tốn đứng ra thắp hương khấn thổ địa: “Thôi thì âm dương không thấy mặt nhau, mong Thần thổ địa đưa đường chỉ lối để vợ chồng người ta giả nghĩa nhau cho phải đạo”. Khấn vái xong, anh Rao chờ cho tàn tuần nhang thì hóa vàng. Cánh đàn ông hò nhau lo che bạt, đốt đuốc, nhặt gạch kê bếp để đun lại nước “ngũ vị hương”…
Đến mờ sáng thì mọi việc đã tinh tươm. Phần mộ của ông An được xây cất thật công phu. Cỗ tiểu được làm “trong quan, ngoài quách”, mộ phần được đúc sẵn bằng xi-măng, tứ bề đắp nổi “Thông, mai, trúc, cúc”; “Long, ly, quy, phượng”, tô mầu khéo léo, cẩn thận trông lung linh rực rỡ như kiệu rước Thành Hoàng. Bà An đã kỳ công đặt mua mộ phần cho ông tận Hà Nam – Phủ Lý. Khiến ai đi chợ Cát, ngang qua ngả Đồng Thoi nhìn ngôi mộ của ông An cũng hiểu đây là phần mộ của người có gia cảnh giầu sang, phú quý.
Mọi việc lo toan trả nghĩa cho chồng đã chu toàn ngoài ước muốn của bà An. Phần nghi lễ bà cho lập đàn, tụng kinh đẫy một ngày. Ngoài ra, bà còn đặt hai phần cỗ rất hậu hĩnh. Một cỗ chay để dâng lễ lập đàn giải oan cho ông An, sau là để các con nhang đệ tử thụ lộc. Một cỗ mặn làm riêng để cảm tạ chư bác trong làng đã lo toan đại sự giúp bà được đẹp đẽ trong ngoài, trước sau như nhất. Bà An cứ bồi hồi cảm kích khôn nguôi. Ngoài hiên chùa đã tắt nắng, mọi việc dường như êm xuôi, người về cũng đã vãn. Chùa Một trở lại cảnh tĩnh mịch, u hoài trong chiều tà bảng lảng. Trong chùa chỉ còn lại mấy vị trong ban Di tích, ban Khánh tiết của làng cùng mấy bà phục vụ đang bịn rịn chia tay bà An Sa-Suya trong nhà thờ Tổ. Bà An nước mắt lưng tròng, tay run rẩy thắp nhang khấn vái tạ ơn Trời Phật phù hộ độ trì cho bà được hưởng hậu phước. Bỗng có tiếng sang sảng của Cụ Lới từ cổng chùa vọng vào, mọi người giật mình vội chạy cả ra sân trước. Cụ Lới ở tuổi 80 mà dung mạo vẫn uy nghi quắc thước, tính tình bộc trực, nghe Cụ nói là vững tin. Cụ Lới một tay túm cố áo thằng Khái thọt lôi nó xềnh xệch vào sân chùa, tay kia nhăm nhăm cái chuôi quạt giấy như gõ thủng đầu thằng Khái. Khái thọt dúm dó như búi dẻ rách nhúng nước,hai tay nó ôm chặt những mẩu chàng đục dỉ hoen, dỉ hoét. Cụ lới đằng hắng, rồi nói lớn giữa sân chùa:
“Ai chỉ mả lão An cho nhà chị để sang cát cho lão thế? Giời ơi! Nhà chị lại nghe cái thằng Khái thọt nó nói là hỏng rồi. Thằng này, nó làm cái gì cũng đại khái, nói phét một tấc lên đến giời. Thấy cái bọc trong mộ nó tưởng vớ được gói vàng nên giấu biến, ai ngờ mở ra lại là mớ chàng đục của thằng Tư tàng tàng năm xưa! Nhớ thằng trộm này mà tối chắc chắn đây là mả thằng Tư tàng tàng. Còn mả lão An chồng chị ở cuối hoang Táo rừng bên này mương cơ. Rõ khổ, đận “dẫn thủy nhập điền” xã đã lấp con mương cũ, đào con mương mới nên mả chồng chị từ bên tả nay chuyển sang bên hữu rồi! Mọi người nhớ nhầm cũng là phải!”.
Nghe vỡ lẽ, bà An Sa-Suya mặt mày tối sầm như trời sập…
Thế rồi mọi việc cũng được Sư Cụ đứng ra thu xếp, lo toan đẹp đẽ.
Mộ phó An được cụ Lới và các cụ cao tuổi trong làng thương tình tìm giúp. Hài cốt của An được táng bằng chiếc tiểu sành, trên phủ vuông vải điều được Sư Cụ làm lễ ban cho. Phần mộ của chồng bà An được đặc ân, đào sâu chôn chặt trong phần ruộng của chùa làng Liêu. Nấm mộ đắp đất vuông vức, phủ lớp cỏ Vực, tấm bia đá to chừng bằng cái quạt nan, chôn ngay ngắn giữa mộ, khắc sâu 5 chữ “Nguyễn Phúc An chi mộ” như tấm lòng từ bi của Phật ban cho linh hồn người xấu số.
Chỉ có Tư tàng tàng là sung sướng. Đời thằng vô gia cư, không tấc đất cắm dùi, quanh năm làm thuê cuốc mướn, cắt cỏ chăn bò…Tự dưng lại được mồ yên, mả đẹp.
Cụ Lới chợt nhớ lại câu nói của ông thầy tử vi ngày về dự đám cưới cậu Ba con ông chánh tổng Làng Hạ, khi ông này nhìn thấy diện mạo quái quỷ của thằng Tư tàng tàng đã thốt lên nhưng chẳng ai buồn tin: Cái Thằng mọi này: “Sống khổ hơn chó hoang, chết sướng hơn Thành Hoàng Ngọc Thiện!” quả là linh nghiệm.