Trồng hoa giấy nhất định phải làm việc này để cây trổ bông đúng Tết Nguyên đán

Người trồng cần có một vài bí quyết nhỏ để cây hoa giấy có thể ra hoa theo ý muốn, đặc biệt là có thể trổ bông đúng dịp Tết Nguyên đán.

Cây hoa giấy là loại cây cảnh được trồng nhiều ở khắp mọi miền đây nước. Loại cây này dễ chăm sóc, thích nghi được với nhiều điều kiện môi trường và thời tiết khác nhau. Hoa giấy có nhiều màu sắc như đỏ, vàng, hồng, trắng, tím và có thể ra hoa quanh năm. Trong phong thủy, người ta coi hoa giấy là loại hoa có tác dụng xua đuổi tà ma, đại diện cho sự phát tài phát lộc.

Chính vì vậy, hoa giấy nở vào dịp Tết Nguyên đán không chỉ mang lại cảnh sắc rực rỡ cho căn nhà mà còn là điềm báo may mắn cho một năm mới rực rỡ, nhiều niềm vui, gia đình có lộc.

Để cây hoa giấy có thể nở đúng dịp Tết Nguyên đán, người trồng cần chú ý thực hiện một số bước chăm sóc đặc biệt ngay từ bây giờ.

Tưới ít nước

Đây là một trong những bí quyết quan trọng để thúc đẩy việc ra hoa của cây hoa giấy theo đúng ý muốn của người trồng. Cây hoa giấy có thể chịu được hạn rất tốt, sợ ngập úng nên bình thường không cần tưới nhiều nước. Để cây hoa giấy ra hoa đúng dịp Tết, người trồng cần tưới nước ít hơn nữa. Quá trình này thường được gọi là siết nước.

Siết nước là bước hạn chế tần suất cũng như lượng nước tưới cho cây, thậm chí ngừng hẳn việc tưới nước. Cây rơi vào trạng thái "khát" sẽ tự kích thích việc cho ra nụ hoa mới. Có thể tiến hành siết nước cho cây hoa giấy trong khoảng tháng 11 âm lịch để cây kịp ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán, đầu năm mới.

Ở miền Bắc, do thời tiết chuyển lạnh nên cần tiến hành siết nước sớm để đảm bảo cây có thể ra hoa đúng ý muốn. Trong khi đó, thời tiết ở niềm Nam ấm hơn nên việc siết nước có thể bắt đầu muộn hơn khoảng nửa tháng.

Siết nước là bước quan trọng để cây hoa giấy ra hoa đúng theo ý muốn.

Siết nước là bước quan trọng để cây hoa giấy ra hoa đúng theo ý muốn.

Chu kỳ siết nước kéo dài khoảng 15-20 ngày, chia làm hai đợt. Trong 7-10 ngày đầu tiên, người trồng cần cắt nước hoàn toàn, không bổ sung thêm bất cứ giọt nước nào. Khi trời mưa, nên che chắn để cây không tiếp xúc với nước.

Tới ngày thứ 8 hoặc ngày 11, tưới một lượng nước nhỏ cho cây rồi tiếp tục cắt nước trong khoảng 7-10 ngày.

Cây hoa giấy chịu hạn tốt nên dù lá cây heo rũ nhưng cuống vẫn cứng thì không phải lo lắng. Đây là phản ứng bình thường của cây khi bị giảm lượng nước tưới.

Khi thấy cây đã ra nụ ở tất cả các cành, có thể tiến hành tưới nước trở lại nhưng nên tưới từ từ, không bổ sung quá nhiều nước cùng lúc khiến cây bị sốc. Khi cây đã ra hoa, cần tưới nước đều đặn để hoa không bị rụng.

Bón phân

Để cây ra nhiều hoa, có thể bổ sung thêm phân NPK cho cây. Trong 2 tuần đầu, bón phân NPK tỉ lệ 1:1:1 để cây phát triển mạnh mẽ. Khi nụ hoa nhú lên, chuyển sang bón phân NPK 1:2:1 để kích thích sự phát triển của hoa.

Khoảng 2 tuần trước Tết, bón phân NPK theo tỉ lệ 1:1:2 để hoa thắm, lâu tàn.

Mỗi lần bón phân cách nhau khoảng 2-3 tuần, không cần bón quá nhiều.

Nếu được chăm sóc đúng cách, cây hoa giấy có thể ra hoa rực rỡ đúng thời điểm mong muốn.

Nếu được chăm sóc đúng cách, cây hoa giấy có thể ra hoa rực rỡ đúng thời điểm mong muốn.

Cắt tỉa cành

Để cây hoa giấy ra nhiều hoa, người trồng cần chú ý đến việc cắt tỉa cành. Nên cắt bớt những cành yếu, cành mỏng, cành quá dài để tránh lãng phí dinh dưỡng. Ngoài ra, nên cắt bỏ những hoa cũ, sắp tàn để chuẩn bị cho đợt hoa mới.

Trong quá trình siết nước, lá cây có thể rụng. Nếu cây không tự rụng lá, có thể tuốt bớt lá để hạn chế dinh dưỡng cho sự phát triển của lá, để cây tập trung vào nuôi hoa. Việc này cần thực hiện đều đặn cho đến khi thấy cây có nhiều nụ hoa. Cách tuốt lá này cũng được áp dụng với những loại cây cảnh thường được bán vào dịp Tết như cây mai, cây đào.

Đảm bảo nguồn ánh sáng

Hoa giấy là loại hoa ưa sáng. Cây phải nhận được đủ ánh sáng mới có thể cho nhiều hoa. Vì vậy, cần phải đảm bảo cây được đặt ở vị trí có thể nhận ánh sáng ít nhất 8 tiếng/ngày.