Chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên; spa; chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền; thiền, yoga,... là sản phẩm du lịch sức khỏe tiêu biểu.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Điều đó cho thấy tiềm năng thu hút khách du lịch chăm sóc sức khỏe có thời gian lưu trú từ 3-5 ngày, phần lớn là khách trung niên, có mức chi tiêu cao, nhu cầu sử dụng dược liệu phục hồi sức khỏe, coi chăm sóc sức khỏe là mục tiêu đi du lịch.
Nguồn dư địa dồi dào
Việt Nam sở hữu thế mạnh với 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống; có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc.
Ngoài ra, bờ biển dài 3.260 km, cùng nhiều bãi tắm biển đẹp, thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng, bao quanh với các hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, yên bình, rất phù hợp cho việc nghỉ ngơi, chữa bệnh... là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.
Du khách chứng kiến quá trình trồng vào phát triển của sâm Ngọc Linh giữa đại ngàn là một trải nghiệm thú vị. |
Những năm gần đây, Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế xây dựng và ban hành Quyết định 2951/QĐ-BYT (ngày 21/7/2023) phê duyệt Đề án “Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030”; Quyết định 1265/QĐ-BYT (ngày 15/5/2024) phê duyệt Đề án “Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm Châm cứu - y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch của Bệnh viện Châm cứu Trung ương đến năm 2030”.
Hiện nay nhiều khách sạn, resort tại Việt Nam đã coi chăm sóc sức khỏe như một dịch vụ gia tăng cho khách lưu trú. Các công ty lữ hành cũng chủ động xây dựng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như “tour du lịch chữa lành” hay các “gói du lịch sức khỏe”...
Các địa phương có tiềm năng cũng chú trọng hơn đến phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, đã ban hành những chủ trương, chính sách khuyến khích loại hình du lịch này. Đây là những bước đầu tiên, cơ bản cho việc xây dựng chính sách thúc đẩy dòng sản phẩm này, cũng như tiếp tục hỗ trợ, định hướng đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Nhiều địa phương phát triển sản phẩm du lịch y dược cổ truyền
Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu phong phú. Việc trồng và sản xuất dược liệu để phục vụ khách du lịch đã được một số địa phương như Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái... đẩy mạnh phát triển.
Tại Lai Châu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay làm đẹp bằng y dược cổ truyền đã trở thành sản phẩm du lịch quan trọng, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách cũng như giúp phát triển du lịch tại một số điểm đến. Cụ thể như dịch vụ tắm lá thuốc người Dao tại Sìn Hồ rất được du khách yêu chuộng. Một số điểm đến tại Lào Cai như Tả Phìn, Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát... cũng khai thác du lịch và dược liệu khá tốt, trong đó nổi bật nhất là dịch vụ tắm/ngâm lá thuốc của người Dao đỏ.
Yên Bái cũng là địa phương sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, nhất là các sản phẩm du lịch y dược cổ truyền. Đón đầu xu hướng du lịch này, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có nhiều mô hình cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch kết hợp với quảng bá nền y dược cổ truyền.
Có thể kể đến mô hình du lịch sinh thái ở huyện Trạm Tấu phát huy thế mạnh của nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt dưỡng sinh. Mù Cang Chải có sản phẩm cây sơn tra, mật ong rừng, đẳng sâm, tam thất… là những sản phẩm kết hợp được trong nhiều bài thuốc, đồ uống, món ăn kết hợp chữa bệnh phục vụ khách du lịch.
Văn Yên với lợi thế văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao có các sản phẩm từ cây quế và khai thác thế mạnh từ các sản phẩm tinh dầu như: tinh dầu quế, tinh dầu Đại Phú An. Yên Bình với khả năng khai thác tiềm năng, thế mạnh từ vùng hồ Thác Bà, các bài thuốc gia truyền nổi tiếng chữa bệnh dạ dày, thoái hóa xương khớp của các ông lang bà mế và vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng thuộc các xã vùng ven hồ…
Cần có định hướng và điều chỉnh phù hợp
Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở nước ta hiện nay cần có sự xem xét đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng và sự chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Sản phẩm du lịch sức khỏe không chỉ nằm ở phương pháp làng nghề hay cổ truyền hoặc bài thuốc, bí quyết gia truyền mà cần đánh giá, phân tích, phát triển sâu cho từng sản phẩm với sự song hành của chuyên gia du lịch, chuyên gia về chuỗi giá trị thảo dược để tạo ra những sản phẩm chất lượng; trong đó có yếu tố nghiên cứu và chứng minh bởi khoa học trong từng vị thuốc, từng món ăn hay từng dịch vụ trải nghiệm.
Ở sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng, ngoài việc khai thác các công dụng của suối khoáng nóng vào chữa bệnh, phục hồi, còn có thể kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc, làm đẹp truyền thống khác mà Việt Nam sẵn có, như xông hơi thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt… Sự kết hợp này chính là nét khác biệt cho sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Các chuyên gia kỳ vọng việc khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe bằng những cách riêng, độc đáo sẽ sớm tạo thành dòng sản phẩm thế mạnh, đẳng cấp cho du lịch Việt Nam.