Pleiku là thành phố lớn thứ 2 tại Tây Nguyên về diện tích lõi đô thị và quy mô dân số đã được đánh giá là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên; là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh và là đầu mối giao lưu với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các huyện, thị xã trong tỉnh.
Nhưng đến nay thành phố Pleiku lại còn những hạn chế, tồn tại trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của bộ máy chính quyền để chung tay cùng người dân xây dựng Pleiku trở thành một thành phố đáng sống như những cam kết buổi đầu được công nhận.
Hơn một năm qua, người dân thành phố Pleiku liên tục than phiền về môi trường sống tại đây quá ô nhiễm. Người dân kêu than, cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn không được giải quyết. Dạo một vòng trong thành phố, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những bãi rác lớn nhỏ tự phát tràn lan. Mặc dù, đơn vị thu gom vẫn tiến hành thu gom thường xuyên. Tuy nhiên, vì người dân không bỏ rác đúng thời gian thu gom, do đó rác vẫn bị bỏ xót, tạo thành bãi tập kết rác ngay cạnh đường giao thông. Cả thành phố có quá nhiều bãi rác lớn nhỏ liên tục bốc mùi hôi thối, vừa gây mất mĩ quan đô thị và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Được biết, bãi rác thành phố Pleiku thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh Gia Lai. Dự án công trình xây dựng cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác với tổng mức đầu tư 73 tỉ đồng đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt. Nhưng đến nay vẫn chưa triển khai đang là vấn đề khiến người dân bức xúc? Cho đến nay UBND thành phố vẫn xử lý rác thải bằng cách chôn lấp. Việc xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp tại đây cũng tồn tại nhiều rủi ro môi trường, về lâu về dài hậu quả của việc ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tiếp đến, là các tuyến đường trong nội đô thành phố tồn tại quá nhiều những hố ga, miệng cống xuống cấp, hư hỏng mặc dù vừa được nâng cấp sửa chữa để được công nhận là đô thị loại 1. Nhưng trên nhiều tuyến đường trong thành phố, hàng loạt các nắp cống bị xuống cấp nhanh chóng, mặc dù vừa mới được cơ quan chức năng nâng cấp, sửa chữa không lâu. Anh K.Q.N người dân sống tại một tuyến đường trên địa bàn cho biết “Người tham gia giao thông trên tuyến đường đang lo lắng về việc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và hoài nghi về chất lượng thi công của công trình. Đã nhiều lần kiến nghị nhưng UBND thành phố vẫn ngó lơ không chịu xử lý.
Theo thông tin người dân cung cấp:Đường Phan Đình Phùng vừa được nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng cách đây chưa lâu nhưng những nắp cống dọc hai bên đường bị xuống cấp nhanh chóng. Có những miệng cống sụp xuống tạo hố sâu rất nguy hiểm. Thời gian trước, những nắp cống tại đây thường xuyên được lực lượng chức năng thay mới liên tục, cứ khoảng một tháng thì lực lượng chức năng thay nắp cống 1 lần vì liên tục bị xuống cấp. Không biết sao sau khi được công nhận thành phố loại 1 thì thời gian gần đây, các nắp cống bị nứt, sụt lún nhưng không thấy lực lượng chức năng đến thay mới nữa?.
Còn về vấn đề an ninh trật tự thì hiện tại Pleiku là một trong những thành phố mất an toàn nhất khi liên tục xảy ra những vụ thanh toán chém giết nổi cộm làm người dân lo lắng. Ngoài ra, tình trạng để cho những quán Bar, Beer Club hoạt động xuyên tết, bất chấp đại dịch đang bùng phát khiến người dân đang hoài nghi về năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền tại thành phố núi Pleiku.
Việc có hay không việc buông lỏng quản lý, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống các công trình hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan thành phố? Tại sao không tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để kịp thời xử lý những bức xúc của dư luận để chung tay xây dựng thành phố Pleiku trở thành “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe” như nguyện vọng của nhân dân thành phố.
Phát biểu tại Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Pleiku lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thẳng thắng chỉ ra:
“Kinh tế thành phố Pleiku tăng trưởng chưa vững chắc, các ngành công nghiệp chậm phát triển; chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có giá trị thương mại cao. Công tác quản lý, sử dụng đất đai còn lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng tự ý phân lô, mở đường không theo quy hoạch. Một số dự án đầu tư chậm triển khai, tình trạng “quy hoạch treo” gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ tăng thu ngân sách Nhà nước còn thấp và chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chậm; nếp sống văn minh đô thị chưa có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Công tác nắm tình hình có thời điểm chưa kịp thời, xử lý một số vụ việc về an ninh trật tự của cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chậm, lúng túng, chưa giải quyết dứt điểm, để kéo dài. Tình hình tội phạm có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp; số đối tượng liên quan đến ma túy tăng, xảy ra một số vụ án nghiêm trọng liên quan đến băng nhóm, đối tượng hình sự sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ làm chết người, gây dư luận xấu, bất an trong xã hội”.