UBND quận Ô Môn vừa có kết luận kiểm tra số 807/KL-UBND về công tác tổ chức và tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Trường Mầm non Sao Mai, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (TP Cần Thơ). Trong đó, có việc lấy mẫu và lưu mẫu thức ăn bán trú ngày 27/11/2020 tại trường.
Theo Kết luận kiểm tra số 807/KL-UBND, Trường Mầm non Sao Mai có hàng loạt sai phạm về tài chính như: “Chi và quyết toán kinh phí sửa chữa thiết bị tin học, đường điện có chứng từ không đảm bảo; không có hợp đồng mua bán, giấy đề nghị thanh toán các khoản chi và quyết toán kinh phí mua văn phòng phẩm, vật tư văn phòng. Đặc biệt, là chi và quyết toán tiền điện thắp sáng, tiền nước sinh hoạt, tiền cước viễn thông không đủ điều kiện quyết toán, không có hóa đơn… với số tiền trên 29 triệu đồng”.
Đối với thông tin bánh canh có mùi chua, tổ kiểm tra cũng kiểm tra về quy trình lấy mẫu, lưu mẫu thức ăn bán trú và thông tin bánh canh có mùi chua vào ngày 27/11/2020. Trường Mầm non Sao Mai có cung cấp cho Đoàn thanh tra hợp đồng mua bán hàng hóa số 46 ngày 27/8/2020 với Công ty TNHH MTV Co.opmart Cần Thơ, thời hạn hợp đồng từ ngày 15/8/2020 đến ngày 31/5/2021 và có bản kê nhận thực phẩm hàng ngày.
Riêng ngày 27/11/2020, lúc 6h25, có biên bản kiểm tra đầu vào thực phẩm và ký xác nhận của cô Trần Thị Nguyệt Hồ, Phó Hiệu trưởng; Ngô Thị Diễm Kiều, nhân viên Y tế; Thị Ry, nhân viên bếp và đại diện Ban đại diện Phụ huynh, Phạm Trọng Phú. Xác nhận “Thực phẩm giao đúng bản kê, rau củ tươi ngon, không dập úa”. Biên bản kiểm tra đầu vào thực phẩm ngày 27/11/2020 thể hiện người cùng kiểm tra là bà Đàm Thị Nga, nhân viên cấp dưỡng, tuy nhiên lại không có ký tên biên bản. Lưu mẫu lúc 7h30, ngày 27/11/2020 và hủy mẫu lúc 7h30, ngày 28/11/2020, người lưu mẫu là Lương Thị Bé Mười, còn người hủy mẫu là Nguyễn Thị Thanh Nga. Người lưu mẫu và người hủy mẫu chỉ ký ở đầu danh mục thực phẩm.
Việc xử lý thông tin bánh canh có mùi chua đoàn kiểm tra ghi nhận như sau, bà Nga (Đàm Thị Nga - PV) Trường Mầm non Sao Mai thông tin, sáng 27/11/2020 siêu thị giao hàng (bánh canh) và được bảo quản ngay trong tủ lạnh đến 13h, sau đó, kiểm tra bánh canh thấy bình thường và nấu, có lưu mẫu thức ăn, việc bánh canh có vị chua bà Nga cho rằng do mùi vị đặc trưng là như vậy?!. Còn Cô My (giáo viên) cho biết là học trò thức lúc 14h, Cô My dạy chung cô Mỹ Hằng, Cô My báo là trưa ngày 27/11/2020 khi cô Hằng mở nắp thì phát hiện bánh canh thấy có mùi chua, sau đó, báo cho nhà bếp, cô cấp dưỡng và cô Hiệu trưởng. Cô Hiệu trưởng nếm thử có mùi chua và ý kiến là do mùi đặc trưng của bánh canh là như vậy nên không sao và vẫn cho các bé ăn bình thường…
Việc siêu thị giao thực phẩm rau củ tươi hay là bánh canh, khi biên bản xác nhận đầu vào là “Thực phẩm giao đúng bản kê, rau củ tươi ngon, không dập úa”, còn người cùng kiểm tra là nhân viên cấp dưỡng không ký tên biên bản thì nói là siêu thị giao bánh canh vậy nhà trường nhận thực phẩm rau củ tươi hay là bánh canh?!. Chưa kể, việc bánh canh cho trẻ em ăn có mùi chua có phải do thức ăn bị ôi thiu hay không, khi nhìn mắt thường (?) và kết luận là bình thường?! Nếu các trẻ sau khi ăn bánh canh có mùi chua “bị ngộ độc thực phẩm”, trách nhiệm thuộc về ai?
Được biết, vào ngày thức ăn phát hiện có mùi chua (27/11/2020), cô Trần Thị Nguyệt Hồ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, đang tham dự lớp bồi dưỡng “Công tác quản lý chuyên môn”, (lớp 2) do Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Mầm non Phong Lan, phường An Thới, quận Bình Thủy. Sự vắng mặt của cô Phó Hiệu trưởng trong lúc xảy ra sự việc khi đang tham dự lớp bồi dưỡng “Công tác quản lý chuyên môn”, trong khi biên bản kiểm tra đầu vào thực phẩm vào ngày 27/11/2020 xác nhận đầu vào thì Phó Hiệu trưởng ký tên xác nhận vào biên bản kiểm tra đầu vào thực phẩm được hiểu như thế nào?
Thiết nghĩ các ngành chuyên môn và UBND quận Ô Môn cần làm rõ lại việc bánh canh có mùi chua và giải thích cho dư luận đang đặt nghi vấn về chuyện thiếu an toàn thực phẩm trong việc cho trẻ bán trú ăn tại Trường Mầm non Sao Mai.