Tết Đoan Ngọ 2025 - 5/5 Âm lịch rơi vào ngày mấy Dương lịch, là thứ mấy?

Người Việt thường gọi Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch là tết diệt sâu bọ. Năm nay, Tết Đoan Ngọ là thứ mấy, ngày mấy Dương lịch?

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hằng năm. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống của người Á Đông, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc. Người Việt thường gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ 2025 - 5/5 Âm lịch rơi vào ngày mấy Dương lịch?

Xét về mặt nghĩa, chữ Đoan trong Đoan Ngọ mang nghĩa bắt đầu, chữ Ngọ thể hiện khung giờ Ngọ (từ 11h-13h). Như vậy, Đoan Ngọ chính là chỉ khoảng thời gian đầu giờ Ngọ. Nếu gọi là Tết Đoan Dương thì chữ Dương ám chỉ mặt trời, dương khí. Đoan Dương chỉ lúc khí dương đang thịnh hành.

Đối với người Việt, Tết Đoan Ngọ là dịp để con người bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cũng như bảo vệ mùa màng trước sự tấn công của các loại sâu bệnh. Chính vì vậy, người xưa gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ. Theo đó, vào đúng ngày 5/5 âm lịch hằng năm, người dân sẽ thực hiện nghi thức cúng thần linh, tổ tiên để cầu cho gia đình khỏe mệnh, mùa màng bội thu. Đặc biệt, người xưa còn có lễ cúng Đôi Truân - nhân vật được coi là thần bảo vệ cây trồng, giúp chống lại sâu bệnh.

Theo báo Tiền Phong, PGS.TS Trần Đức Cường cho biết Việt Nam có thời tiết nóng bức, tháng 5 âm lịch là mùa nóng, các loại sâu bọ, vi trùng có điều kiện phát triển. Chúng làm hại mùa màng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, người xưa tìm cách chống lại cái nóng và phòng ngừa dịch bệnh từ các các loại đồ ăn, thức uống.

Tết Đoan Ngọ 2025 - 5/5 năm Ất Tỵ rơi vào thứ Bảy ngày 31/5 Dương lịch. Việc ngày này rơi vào cuối tuần giúp các gia đình có điều kiện thuận lợi hơn trong khi thực hiện lễ cúng, các thành viên trong gia đình cũng có có cơ hội tốt hơn để sum họp, cùng nhau tận hưởng không khí truyền thống của ngày lễ.

Tết Đoan Ngọ 2025 - 5/5 năm Ất Tỵ rơi vào thứ Bảy ngày 31/5 Dương lịch.
Tết Đoan Ngọ 2025 - 5/5 năm Ất Tỵ rơi vào thứ Bảy ngày 31/5 Dương lịch.

Một số tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ

Người xưa rất coi trọng Tết Đoan Ngọ. Người ta thường chuẩn bị một mâm cỗ với nhiều món ăn khác nhau để dâng cúng thần linh, tổ tiên. Tùy theo địa phương, sản vật được dâng cúng cũng có sự khác biệt.

Theo sách Hà Nội địa dư, người xưa có phong tục: “Tết Đoan Dương bó lá ngải, nhuộm móng tay, buộc chỉ cổ tay”. Trong khi đó, sách Đồng Khánh địa dư chí nói về các vật phẩm lễ cúng trong ngày này như sau: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ...”.

Người xưa có quan niệm rằng sâu bọ có thể trú ngụ trong cơ thể con người. Thường ngày, chúng lẩn trốn trong bụng. Đến ngày 5/5 âm lịch sẽ ngoi lên. Lúc này, con người cần dùng thức ăn để loại bỏ chúng.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta thường dâng cúng cơm rượu, bánh ú tro, trái cây...
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta thường dâng cúng cơm rượu, bánh ú tro, trái cây...

Việc tiêu diệt sâu bọ cần phải thực hiện vào sáng sớm, khi vừa mới ngủ dậy. Do đó, người xưa có tục lệ ăn rượu nếp, bánh đa, chè kê, bánh ú tro... vào sáng sớm ngày 5/5 âm lịch. Người ta cho rằng những thứ này có thể khiến sau bọ say. Sau đó, ăn tiếp các loại trái cây có vị chua chát để tiêu diệt sâu bọ.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người xưa hay treo bó lá ngải trước cửa để trừ tà, giúp phòng tránh ốm đau cho con người.

Vào ngày 5/5 âm lịch, người xưa còn có một số tập tục khác như xông nước lá thơm, tục khảo cây, nhuộm móng tay móng chân...

Ngày này, một số phong tục không còn phổ biến nhưng việc dâng cúng các món ăn truyền thống như cơm nếp, bánh ú tro, các loại trái cây theo mùa... vẫn được nhiều gia đình duy trì thực hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ.