Sự kiện quy tụ gần 90 chuyên gia lãnh đạo đổi mới sáng tạo là các nhà khoa học, lãnh đạo công ty khởi nghiệp và nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý và các công ty khởi nghiệp.
Mạng lưới LIFVietnam được hình thành trên cơ sở các thành viên đã được lựa chọn, đào tạo Lãnh đạo đổi mới sáng tạo của Viện Hàn lâm kỹ nghệ Hoàng Gia Anh từ năm 2014 tới nay. Chương trình được bảo trợ của Bộ khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Viện Hàn lâm kỹ nghệ Hoàng Gia Anh.
Thành công của các nghiên cứu khoa học và công nghệ có thể được đánh giá bằng việc chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào thực tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu có kết quả giá trị và được thương mại hóa thành công vẫn còn rất hạn chế, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn thấp. Thị trường luôn có nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để sản phẩm nghiên cứu không bị để ngăn kéo, cần có sự đổi mới trong tư duy, nâng cao nhận thức đúng đắn và đầy đủ cũng như lòng tin đối với 3 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp.
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã trở thành nhu cầu cấp thiết không những của các thành viên đã tham gia chương trình mà còn là định hướng chung của cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp. Do đó, Mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt Nam - LIFVietnam đã được hình thành và đi vào hoạt động từ 2021 nhằm hướng tới xây dựng hệ sinh thái cộng đồng LIF bền vững với bốn mục tiêu chính:
1. Thành lập mạng lưới các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
2. Đào tạo cộng đồng và Tư vấn hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp thực hiện nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
3. Kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mạng lưới lãnh đạo đổi mới sáng tạo toàn cầu.
4. Phát triển đội ngũ và tổ chức các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, thương mại hóa thông qua cổng thông tin www.lifvietnam.com.
PGS.TS Phan Tiến Dũng, Phó trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao sự thành lập Mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam (LIFVietnam). Hy vọng các thành viên trong cộng đồng gắn kết, phát triển thành công hệ sinh thái khởi nghiệp của LIFVietnam từ đó lan tỏa, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ đồng hành cùng mạng lưới LIFVietnam trong thời gian tới để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng: “Việt Nam muốn đón nhân làm sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu thì phải đổi mới tư duy, có cách tiếp cận chiến lược và chính sách mới phù hợp, thực hiện nâng cao năng lực và nội lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, các hạn chế về thể chế, nguồn lực và công nghệ, cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt đối với nhu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Lao động kỹ năng nghề bậc trung đứng 128/130 theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); Hệ thống giáo dục, đào tạo chậm đổi mới; Trình độ, năng lực công nghệ thấp; Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa thực sự hình thành”.
Chương trình hỗ trợ các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý thực hiện thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam được Bộ khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Quỹ Newton Việt Nam đồng tổ chức từ năm 2014. Trong những năm vừa qua, chương trình đã đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương Quốc Anh, cho phép chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội ở Việt Nam. Chương trình thực hiện đào tạo trong 2 tuần tại Vương quốc Anh và đào tạo, tư vấn trực tuyến cho các học viên trong một năm nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Trong 7 năm qua, chương trình đã đào tạo được gần 90 nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình hợp tác phát triển, bao gồm: Y tế và khoa học đời sống, Khả năng phục hồi môi trường và an ninh năng lượng, Thành phố tương lai, Nông nghiệp bền vững, Công nghệ kỹ thuật số, đổi mới và sáng tạo.
Đánh giá ý tưởng hình thành và tạo lập mạng lưới LIFVietnam, bà Phạm Chi Lan hy vọng LIFVietnam sẽ cùng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ khoa học và Công nghệ, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Viện Hàn lâm kỹ nghệ Hoàng Gia Anh và các tổ chức liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ hàng năm. Thông qua mạng lưới LIF Vietnam, các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp và nhà quản lý sẽ được tuyển chọn, tư vấn và hỗ trợ nhằm xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.
Kết thúc sự kiện, TS. Lê Thị Nhi Công, đại diện Ban tổ chức mong muốn rằng khi cộng đồng được tạo ra sẽ góp phần kết nối các thành viên, hỗ trợ giải quyết phần nào những khó khăn, hạn chế trong quá trình thương mại hoá các kết quả khoa học, đồng thời lan toả ra xã hội những giá trị cốt lõi mà các thành viên LIF đã học tập được từ chương trình lãnh đạo đổi mới sáng tạo do Quỹ Newton (Anh) tài trợ trong 7 năm qua.