Lời giới thiệu của nhạc sỹ Nguyễn Đình San:
Nhạc sỹ Trần Viết Bính sáng tác bài này ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở nước ta hồi đầu năm 2020. Hiện nay, dịch này bùng phát đang lần thứ 4 với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn 3 lần trước. Nhưng vì Đảng và Chính phủ chỉ đạo sát xao, riết ráo, cộng với sự đồng lòng của toàn dân và đồng bào ta cũng đã quen sau 3 lần cao điểm nên bình tĩnh, nhất là rất tin vào việc dập dịch của các cơ quan chức năng. Nhưng nhớ lại lúc ấy thật căng thẳng vì đó là lần đàu tiên chúng ta gặp phải đại dịch chưa từng gặp. Trần Viết Bính là một trong số ít những nhạc sỹ đầu tiên sáng tác ca khúc tuyên truyền, cổ vũ việc chống dịch này và là người sáng tác được nhiều nhất. Cho đến nay, sau hơn một năm, ông đã viết được tổng cộng 6 bài, 3 dành cho người lớn và 3 giành cho thiếu nhi.
Quyết thắng Cô-rô-na là bài đầu tiên. Đây là ca khúc ở thể chính ca dành cho hát tập thể sẽ hiệu quả hơn. Với tiết tấu sôi nổi, khẩn trương trong một giai điệu khỏe khoắn, bài hát thể hiện ý chí quyết tâm của toàn dân ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch: “Cô-rô-na! Cô-rô-na! Quyết không cho vào đất nước Việt Nam! Cô-rô-na! Cô-rô-na! Quyết không cho vào quấy phá Việt Nam!...” Lời ca cũng nhắc nhở những việc cụ thể mọi người cần tuân thủ: “Nhân dân đồng lòng không đi ra đường. Hạn chế giao tiếp là chặn đứng lây lan...” Ca khúc ở thể chính ca giống như tranh áp-phích bên hội họa cần sự hoành tráng, ca từ ngắn gọn, súc tích, dễ hát, bất cứ ai cũng có thể cất lời. Bài hát này đạt được điều đó.
Trần Víết Bính sinh năm 1934, quê Thái Bình, nhưng sau năm 1954 công tác Ty Văn hóa Nam Định. Đến năm 1980, ông chuyển vào làm Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm Đồng Nai cho đến lúc nghỉ hưu, hiện đang cư trú ở TP Biên Hòa. Ông vừa sáng tác nhạc, vừa sưu tầm dân ca các dân tộc ít người ở Đồng Nai. Năm 2017, được tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT. Ông là tác giả hai ca khúc nổi tiếng. Một bài dành cho người lớn có tên Dòng sông ra đời từ năm 1956 viết về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước: “Nhà em ở phía bên sông/ Đôi bờ chưa cách dòng sông/ Anh thưởng sang chung một cánh đồng...” Trai gái yêu nhau hồi ấy không ai không biết và thuộc bài hát này. Bài thứ hai còn nổi tiếng hơn là Hạt gạo làng ta phổ thơ của chú bé Trần Đăng Khoa -“thần đồng thơ” một thời, ra đời những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Bài này không em thiếu nhi nào không biết. Các bé hay hát bài này thuở nào nay đã lên ông, bà.
Một nhạc sỹ đã gần 90 tuổi mà viết được bài hát tràn ngập không khí tuyên truyền, cổ vũ, sôi nổi, lạc quan là điều thật quý hiếm. Không dễ bất cứ tác giả nào cũng có được cảm xúc tươi trẻ như ông. Trần Viết Bính là nhạc sỹ rất nhạy cảm với thời cuộc tuy đã cao tuổi. Năm 2018, khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang ở các đấu trường khu vực và châu Á, ông sáng tác được một bài cổ vũ cũng rất nhanh và hiệu quả. Ông cho biết nếu còn dịch, ông còn tư duy để tiếp tục viết về đề tài này bởi trước mắt, đây là một việc rất quan trọng khiến toàm Đảng, toàn dân phải dốc hết sức để đương đầu, khắc phục.
Tuổi cao nhưng sức làm việc của Trần Viết Bính còn hơn nhiều người trẻ. Ông làm chủ được công nghệ thông tin, sử dụng internet chẳng khác gì các bạn sinh viên. Từ soạn nhạc đến hòa âm, phối khí rổi đánh vi-tính bản nhạc, ông đều rất thành thạo.
Xin trân trọng giới thiệu củng bạn đọc bài hát của ông về chống Cô-vít. Cũng cần thông tin đến bạn đọc: Khi đến phòng thu thanh ca khúc về đề tài chống cô-vít, người chủ phòng thu đã không lấy tiền thuê, coi như góp chút công sức vào nhiệm vụ chung.
Để nghe bài này, bạn có thể vào Youtube, gõ tên bài “Quyết thắng Cô-rô-na của nhạc sỹ Trẩn Viết Bính”.