Ngôi nhà cổ 100 năm ở Cần Thơ
Đúng như tựa đề tác phẩm, “Nhà Gia Tiên” được quay hình phần lớn chỉ trong một bối cảnh chính là nhà cổ Trần Bá Thế tại cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Căn nhà hàng trăm năm tuổi có kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa của vùng đất Tây Nam Bộ. Huỳnh Lập và ê-kíp đã thuyết phục chủ nhà cho phép quay phim tại đây, đồng thời làm việc kỹ lưỡng trong mọi khâu sản xuất nhằm bảo tồn di tích nổi tiếng cũng như khai thác trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính, giá trị tinh thần và bầu không khí trang nghiêm của nhà cổ.
Đạo diễn hình ảnh Lê Hữu Hoàng Nam chia sẻ: “Ê-kíp tìm được một cái nhà đủ rộng cả về bên trong và bên ngoài, nên về vấn đề sắp xếp, di chuyển thiết bị thì không gặp khó khăn. Cô chú chủ nhà rất vui vẻ, hỗ trợ đoàn phim. Trước khi phim bấm máy, cả ê-kíp phải ngồi họp với nhau rất kĩ về màu sắc, tinh thần hình ảnh của cả bộ phim. Với dạng phim một bối cảnh chính như Nhà Gia Tiên, cái khó khăn nhất cũng sẽ chính là cái lợi thế nhất. Cả ê-kíp sẽ phải cùng nhau kể một câu chuyện cuốn hút người xem. Tôi không ngại những bộ phim chỉ một bối cảnh, không sợ khán giả chán nếu chúng ta kể chuyện hay. Nhà Gia Tiên đã có một câu chuyện rất hay để kể trong ngôi nhà này”.
Trong tác phẩm lần này, Huỳnh Lập vẫn giữ yếu tố tâm linh, nhưng bằng một cách kể chuyện khác. Anh chọn hình ảnh ngôi nhà để đặt ra một câu hỏi cho nhiều người trăn trở và băn khoăn trong thời đại ngày nay: Tại sao chúng ta phải cùng nhau gìn giữ căn nhà gia tiên này? Vì sao những thế hệ con cháu mất kết nối với ông bà của mình? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Tại sao mỗi năm chúng ta đều phải làm đám giỗ cho người đã khuất…
Ngoài ra, Huỳnh Lập sẽ đưa khán giả về những nét văn hóa mộc mạc, chân chất của người miền Tây cùng khung cảnh yên bình bên ruộng lúa. Ở đó, nam nghệ sĩ muốn đưa hình ảnh tranh kính, một loại tranh rất phổ biến ở không gian thờ ông bà tổ tiên của người dân Tây Nam Bộ.
Poster phim mô phỏng bức tranh "Cửu huyền thất tổ" quen thuộc với nhiều gia đình ở miền Nam, thường được dùng để trang trí ở bàn thờ gia tiên. Đưa nhiều yếu tố về văn hoá truyền thống và vấn đề xã hội vào bộ phim, Huỳnh Lập cho biết: “Có một vài bạn trẻ thắc mắc việc thắp nhang cho ông bà có ý nghĩa gì, hay ngao ngán về việc ăn đám giỗ, tổ chức đám giỗ, đó là lý do Lập tạo ra Nhà Gia Tiên. Bộ phim giúp Lập tự hối thúc chính bản thân mình phải có nhiệm vụ lan tỏa những gì mình biết về tâm linh thờ cúng ông bà, văn hoá của người Việt Nam. Lập biết những gì thì Lập sẽ chia sẻ trong Nhà Gia Tiên”.
Không nên đưa nhiều yếu tố tôn giáo lên phim
Nhắc đến Huỳnh Lập, khán giả sẽ nhớ đến “bậc thầy săn ma” trong làng phim Việt. Những câu chuyện được Huỳnh Lập kể về ma mang nét văn hóa Việt với nhiều bài học và lẽ sống ở cuộc đời khiến nhiều người thích thú.
Nói về quan điểm làm phim về kinh dị tâm linh ở Việt Nam tuy tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều thử thách, Huỳnh Lập bày tỏ: “Tùy thuộc vào sự nghiên cứu và nhà làm phim đưa lên khoảng bao nhiêu, ví dụ nói về tôn giáo mình sẽ đưa hình ảnh ở mức độ vừa phải, nếu nghiên cứu và đưa hình ảnh quá sâu sẽ trở thành phim về tôn giáo. Do đó, Lập chỉ lấy những yếu tố vừa phải để kết nối.
Diễn viên Huỳnh Lập thành công với series "Một nén nhang". |
Lập sẽ đi về những nét văn hóa dân gian, để khán giả cảm thấy quen thuộc và dễ xem. Các nhà làm phim nên cân bằng cuộc sống và tư duy của khán giả. Bản thân nhà làm phim ở thể loại này không được lôi kéo, điều hướng, chỉ nên trình bày trung dung cho khán giả thấy và tự họ sẽ có những cảm nhận khác nhau dựa vào nhân sinh quan vốn có”.