Theo cấc chuyên gia, khi trẻ bị ho cha mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng đi kèm để có biện pháp xử trí phù hợp, kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ khi cần thiết.
Nguyên nhân phổ biến gây ho ở trẻ
1. Viêm đường hô hấp trên
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị ho, thường kéo dài từ 5-7 ngày và đa phần do virus gây ra. Cảm lạnh có thể gây ra cơn ho từ nhẹ đến trung bình, trong khi những cơn ho do cúm thường nghiêm trọng hơn. Nếu bị viêm thanh khí phế quản, trẻ thường ho nhiều vào ban đêm và có kèm theo khó thở.
Triệu chứng ho cần được phân biệt giữa ho khan và ho có đờm. Ho khan thường là kết quả của tình trạng kích ứng đường hô hấp trên (xoang, họng, dây thanh quản), trong khi ho có đờm thường do kích ứng ở đường hô hấp dưới. Cả hai dạng ho này đều có xu hướng nặng hơn vào giờ đi ngủ.
2. Trào ngược dạ dày - thực quản
Khi trẻ bị trào ngược axit, các triệu chứng thường gặp bao gồm ho nhiều, nôn thường xuyên, hơi thở có mùi hoặc bị ợ nóng. Tình trạng này thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm khi trẻ nằm ngủ.
3. Dị ứng và các tác nhân môi trường
Mặc dù trẻ sơ sinh ít khi bị dị ứng theo mùa, nhưng có thể bị dị ứng với các chất trong môi trường xung quanh như:
-
Phấn hoa từ cây cối
-
Lông động vật
-
Mạt bụi trong nhà
-
Khói bụi ô nhiễm
-
Khói thuốc lá (kể cả hút thuốc thụ động)
4. Viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em với các triệu chứng điển hình như:
-
Sốt cao
-
Ớn lạnh, run rẩy
-
Khó thở
-
Ho kéo dài
-
Mệt mỏi
Trẻ có thể bị viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn khi tiếp xúc với môi trường có nhiều người như trường học, công viên, khu vui chơi.
5. Hen suyễn
Ngoài ho nhiều, dấu hiệu dễ nhận biết trẻ đang bị hen suyễn là thở khò khè, thở rít vào ban đêm. Bệnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài để kiểm soát các cơn hen.
6. Ho gà
Ho gà là bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra, có thể ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh và người lớn. Trẻ thường ho thành từng cơn kéo dài nhiều tuần và có tiếng thở rít. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin theo lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Cha mẹ cần đặc biệt chú ý và đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sau:
-
Thở khò khè hoặc khó thở
-
Nhịp thở nhanh bất thường
-
Da xanh xao, tím tái
-
Sốt cao trên 38 độ C
-
Ho kéo dài hơn 2 tuần
-
Ho ra máu
-
Ho do mắc nghẹn dị vật
-
Bỏ bú, ngủ li bì
-
Hít vào nghe tiếng rít
-
Có dấu hiệu mất nước
Cần cấp cứu ngay nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp như:
-
Thở rất mạnh
-
Nôn khan
-
Da chuyển sang màu xanh
-
Các đường xương sườn hiện rõ khi thở
-
Bụng lõm xuống khi thở
-
Lỗ mũi nở ra
Cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà
Với những trường hợp ho nhẹ, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:
-
Xông hơi: Cho trẻ ngồi trong phòng tắm có hơi nước nóng khoảng 15-20 phút để giúp làm ẩm đường thở và giảm ho.
-
Vệ sinh mũi họng: Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Giữ mũi họng sạch sẽ, thông thoáng.
-
Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ bú đủ để giữ ẩm đường thở. Bổ sung nhiều nước và chất lỏng. Tránh các thực phẩm có thể kích thích ho
-
Môi trường sống: Đảm bảo phòng thoáng mát, sạch sẽ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng
Dinh dưỡng cho trẻ bị ho
Thực phẩm nên tránh:
-
Đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
-
Thực phẩm có vị tanh như hải sản
-
Đồ ngọt, bánh kẹo
-
Thức ăn nhanh, đồ ăn đặc sánh
-
Đậu phộng, chocolate
-
Đồ uống lạnh, nước ngọt có ga
Thực phẩm nên ăn:
-
Các món ăn dạng lỏng như cháo, súp
-
Thực phẩm giàu vitamin C
-
Nước ép trái cây không đường
-
Các món hầm nóng
-
Các thực phẩm dễ tiêu hóa
Những lưu ý quan trọng về điều trị
Việc sử dụng kháng sinh:
-
Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh
-
Hầu hết các trường hợp ho do virus không cần dùng kháng sinh
-
Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ
Đặc biệt chú ý với trẻ dưới 4 tháng tuổi:
-
Trẻ trong độ tuổi này ít khi bị ho
-
Nếu có ho cần đưa đi khám ngay
-
Có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng