Ngày 18/8 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng. Trước đó, vào tháng 3/2022, nữ doanh nhân này bị nhà chức trách khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Đến ngày 19/8, VKSND TP HCM cho biết đã ký quyết định tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng thêm 19 ngày. Trong quá trình làm việc, bà Phương Hằng thừa nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời nêu ra hàng loạt lý do chửi bởi một số cá nhân như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xác định, một số cá nhân đã giúp sức cho bà Phương Hằng làm ra các buổi livestream. Đối với những người này, đơn vị điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan.
Ngay lúc này, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến hướng xử lý những người giúp sức cho bà Phương Hằng tạo ra các buổi phát sóng vi phạm pháp luật.
Trước đó, trong bài phỏng vấn của PLO, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong quá trình điều tra, nếu chứng minh được người giúp sức tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì những người này sẽ bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm.
Khi quyết định hình phạt đối với đồng phạm, tòa án sẽ xem xét tính chất và mức độ tham gia phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Bà Phương Hằng bị khởi tố theo Điều 331 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì các đồng phạm cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự dựa trên mức hình phạt.
>>> XEM THÊM: Bị can Phương Hằng thuộc loại tội phạm gì, bao giờ truy tố trước tòa, số ngày bị tạm giam sau này có được cấn trừ?
Ảnh: TH