Nhóm thanh niên Đà Nẵng tụ tập ăn nhậu và sử dụng bóng cười, bị công an phát hiện ngày 11/8. (Ảnh: VnExpress)
Chính quyền Đà Nẵng vừa xử phạt hơn 400 người vì vi phạm cách ly xã hội. Trong số đó, đa phần là thanh niên từ trẻ đến rất trẻ. Điều đáng nói là, họ vi phạm cách ly một cách có chủ đích; bất chấp, coi thường mọi quy định pháp luật và coi rẻ sự an nguy của bản thân cũng như của cả cộng đồng.
Họ vi phạm cách ly để làm gì? Để đua xe, để ăn nhậu, để hát karaoke, để quây quần bên chiếu đỏ đen, để cùng nhau bay lắc, phê pha trong bóng cười, ma túy. Đó tất nhiên là lối sống lệch lạc của họ. Nó như một thói quen thường ngày. Tuy nhiên, trong lúc nước sôi lửa bỏng vì dịch bệnh, thay vì biết dừng lại thì họ lại bất chấp, cố tình vi phạm. Vốn dĩ, không mong những kẻ vô công rỗi nghề biết suy nghĩ cho gia đình và xã hội. Song việc họ thách thức pháp luật và giẫm đạp lên công sức của biết bao con người đang ngày đêm chiến đấu đến kiệt sức thực sự khiến dư luận phẫn nộ.
Đà Nẵng là tâm dịch của làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam. Tính đến16h ngày 16/8 cả nước đã có 24 người đã tử vong vì con virus quái ác. Hàng trăm người đang đang nằm điều trị và hàng ngàn người đang cách ly trong phấp phỏng lo âu. Biết bao gia đình đau đớn vì tan đàn xẻ nghé, bố mẹ xa con, ông bà xa cháu, chuyện trăm năm phải trì hoãn, người ốm đau không được thân nhân chăm sóc, người qua đời không được gia quyến tiễn đưa theo phong tục truyền thống. Cảnh những đứa con mặc trang phục bảo hộ kín mít quỳ lết giữa lòng đường để cúi đầu tiễn biệt bậc sinh thành qua đời vì Covid-19 làm bao nhiêu người phải rơi nước mắt quặn lòng. Nhưng, ngay lúc ấy, có những kẻ tự xem mình là "khán giả", ơ hờ lướt qua nỗi gian lao của cả xã hội, ngật ngưỡng bên những cuộc chơi bất tận, liên tục thỏa mãn đam mê khả ố.
Có lẽ, khi tụ tập bên máy bơm bóng cười, khi hú hét trên những chiếc xe quẹt chân chống tóe lửa lòng đường, khi sát phạt nhau bên chiếu bạc, khi bóng nhờn bên bàn nhậu, họ không chút mảy may nghĩ đến một ngày bị virus tấn công. Khi ấy, sẽ có bao nhiêu con người phải liên lụy vì họ, bao nhiêu lực lượng xã hội từ cán bộ chiến sỹ đến nhân viên y tế, tình nguyện viên phải lao lực vì họ, bao nhiêu y tá điều dưỡng bác sĩ phải căng não tàn sức vì họ, và bao nhiêu tiền của, thời gian, y lực, vật lực của nhà nước phải tiêu tốn để điều trị cho họ? Họ chẳng nghĩ đâu!
Cảnh những người lính biên phòng lấy ống cống làm nơi trú mưa, dựng lán lá làm chỗ ngủ, tuần tra ngày đêm trong mưa gió bão bùng để ngăn cản những kẻ nhập cảnh trái phép mang nguy cơ dịch bệnh vào Việt Nam; cảnh những nhân viên y tế hầm nhừ cơ thể trong bộ đồ bảo hộ kín mít 12 tiếng mỗi ngày, phải tranh thủ chợp mắt trên sàn nhà, nền gạch, canh chừng từng chỉ số sinh tồn của bệnh nhân; cảnh những nữ bác sĩ, nữ y tá phải cắt đi mái tóc thanh xuân, dứt sữa con thơ, rời xa gia đình vào chiến tuyến phòng dịch, chấp nhận hy sinh cả tính mạng vì sự sống của hàng triệu người Việt… Những cảnh ấy không khiến họ bận tâm, động lòng! Niềm vui sa đọa đã chiếm lĩnh tâm trí họ, biến họ thành những “xác sống” vô tri, sống dựa trên công sức máu xương của đồng loại, tự diệt bản thân và gây nguy hiểm cho cả xã hội.
Loài người có thể đã chữa trị được nhiều căn bệnh và hầu hết thói xấu xa, nhưng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất: Sự vô cảm. Cần có hình phạt thích đáng cho những công dân “xác sống” này trước khi họ reo rắc thêm nguy cơ cho người khác. Bởi lẽ, thói vô trách nhiệm cũng như một loại virus nguy hiểm không kém gì Covid-19, khi nó đã xâm nhập vào cơ thể thì tai họa khó lường. Công lý là trung tâm trật tự của xã hội, chỉ khi công lý được thực thi, chỉ khi những “xác sống” kia nhận được bài học răn đe đích đáng ta mới, vững tin về khúc ca khải hoàn sớm được cất lên.