Nhớ về thân hữu

Mùa thu năm 1975 ngao du trên đường phố Sài Gòn bằng xe đạp trên đường Tự Do (Đồng Khởi hiện tại) cạnh ngã tư tiếp giáp đường Gia Long (Lý Tự Trọng), tình cờ tôi gặp lại Trịnh Đình Ban đi dự họp thành lập Hội trí thức yêu nước trở về.
nho-ve-than-huu-1634431747.jpg
Luật sư Trần Công Ly Tao.

Sau lời giao tiếp, Ban muốn tôi tham gia sinh hoạt Hội trí thức yêu nước, tôi vui vẻ nhận lời. Ban đưa tôi đến trụ sở Hội tại số 13 Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch ngày nay). Ít lâu sau, Hội được dời về 43 Nguyễn Thông quận 3. Lúc đầu, Ban cử tôi phụ trách tổ Luật– Kinh tế nhưng tôi chỉ nhận làm thư ký của tổ vì nể nang các tổ viên đều là các thầy đã từng dạy tôi của Luật khoa Đại học đường Sài Gòn.

Lúc tham gia Hội trí thức, Viện Khoa học Xã hội miền Nam (số 49 Pastuer), Ban muốn tôi làm tổ trưởng của các trí thức ngành luật tham dự lớp lý luận Mác – Lê nin dành cho trí thức ngành Luật Sài Gòn cũ. Theo tìm hiểu của tôi, Ban có tài hùng biện và luôn gắn bó với thân hữu. 

Trước năm 1975, Ban thuyết phục tôi tham gia phong trào sinh viên tranh đấu, Ban và Nguyễn Đăng Liêm (em của Nguyễn Đăng Trừng) đề cử tôi làm Phó Chủ tịch Ủy ban chống bầu cử gian lận (phản đối cuộc bầu cử Tổng thống chính quyền Sài Gòn năm 1971), tham gia liên danh 4 của Ban đại diện sinh viên Luật khoa. Khi chuẩn bị tổ chức bầu cử, liên danh của chúng tôi không ứng cử nữa nhằm dồn phiếu bầu về Ban đại diện liên danh 3 là liên danh của phe ta (đối lập) vì nhóm tranh chính quyền Sài Gòn chỉ cố ý cử liên doanh 1 (rút liên doanh 2, chỉ còn ứng cử một liên danh). Chính quyền Sài Gòn tổ chức bầu đại diện để bầu Tổng thống.

Việc bầu cử Ban đại diện trường Luật “có vấn đề” nên phong trào sinh viên tranh đấu thất cử, một số sinh viên tranh đấu chủ chốt bị truy lùng gắt gao trong đó có Ban. Về phần mình, tôi tiếp tục việc học, năm 1972, tôi hoàn tất phần thi viết cao học I, giáo sư Vũ Quốc Thúc đang hỏi vấn đáp tôi về môn Kinh tế thâm cứu thì Nha động viên số 3 ban hành lệnh đôn quân, tôi chuyển sang hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Từ năm 1973, tôi mất liên lạc với Ban.

Sau một thời gian xa vắng, lúc gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, năm 1983, biết tôi đang làm việc ở Công ty Cung ứng Tàu biển thành phố Hồ Chí Minh, Ban đến thăm và ngỏ ý muốn tôi chuyển về công tác tại Mặt trận Tổ quốc thành phố. Tôi chờ quyết định của lãnh đạo công ty đang trong biên chế cơ quan.

Năm 1989, lãnh đạo Công ty Cung ứng Tàu biển đồng ý cử tôi dự lớp bồi dưỡng pháp lý dành cho trí thức ngành Luật phía Nam trước năm 1975 kéo dài từ ngày 6 tháng 3 năm 1989 đến ngày 2 tháng 6 năm 1990 nhưng vẫn được lãnh lương. Năm tháng dần trôi, thời gian sau này tôi không có dịp gặp lại Ban. Được biết Ban từng làm Phó giám đốc nông trường Thái Mỹ ở Củ Chi, thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc Công ty Luật VietLaw.

Có thời gian sức khỏe của Ban sa sút, có người nói sau này Ban bén mùi thiền hơn cõi trần tục. Cho phép tôi mượn 2 câu thơ của nhà ái quốc Phan Bội Châu để đề cập tới Luật sư Trịnh Đình Ban: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng hết/Anh hùng hào kiệt nào có hơn ai.”