Theo lịch, ngày 1/9 là đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, song do trùng với dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nên việc điều chỉnh được lùi lại đến ngày mai (5/9).
Dữ liệu cập nhật trên trang Oilprice lúc 7h00 ngày 4/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn ở mức 93,02 USD/thùng, tăng nhẹ 0,66 USD; dầu WTI giao dịch mức 86,7 USD, tăng nhẹ 0,26 USD. Dù dầu thế giới tăng nhẹ trong 24 giờ qua, nhưng so với thời điểm ngày 1/9, giá dầu WTI và Brent giảm khá sâu, xấp xỉ 6 USD mỗi thùng.
Còn thống kê của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu trên thị trường Singapore giảm mạnh. Cụ thể, xăng RON92 giao dịch hôm 31/8 vừa qua được ghi nhận ở mức hơn 97,31 USD, còn xăng RON95 là 100,1 USD/thùng, dầu diesel là 140,3 USD/thùng. Mức giá này so với ngày 22/8 giảm giá mạnh về xăng, song lại tăng so với dầu diesel.
Theo các doanh nghiệp, giá xăng thành phẩm tại Singapore có xu hướng giảm do đó dự báo giá xăng trong nước ngày 5/9 có thể giảm khoảng 200-500 đồng/lít, nhưng mặt hàng dầu sẽ tăng mạnh ở mức trên 1.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội, giá xăng dầu thế giới gần đây liên tục diễn biến thất thường. Do đó, dự báo việc điều chỉnh giá bán lẻ trong kỳ điều hành tới (ngày 5/9) sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân giá xăng dầu thế giới tính đến ngày 1/9 có xu hướng tăng mạnh, nhưng nếu tính đến ngày 5/9 lại có xu hướng giảm với xăng.
Nếu đơn vị điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn giá thì mỗi lít xăng sẽ tăng 300 -700 đồng (tùy loại), còn dầu tăng 1.800 - 2.000 đồng.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu đề nghị Bộ trưởng Công thương vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9. Theo Hiệp hội này, nếu điều chỉnh vào ngày 5/9 sẽ không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung và đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.