“Người Thổi Sáo” là tên triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ được khai mạc vào lúc 10h ngày 7/1 tại Trung tâm Art Space, trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Kéo dài đến hết ngày 15/1, triển lãm này do nhóm Nhân sỹ Hà Đông đứng ra tổ chức, họa sỹ Lê Thiết Cương làm giám tuyển.
“Người Thổi Sáo” gồm 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây còn lại là những bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng.
Nhà thơ-họa sỹ Nguyễn Quang Thiều trước triển lãm. (Ảnh: NVCC)
Lâu nay, công chúng đã biết tới Nguyễn Quang Thiều như một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, một nghệ sỹ tài hoa trong cả âm nhạc và hội họa. Ông đã tham gia nhiều triển lãm tranh, tự vẽ minh họa cho thơ văn của mình và của các tác giả khác, nhưng đây là lần đầu tiên ông có một triển lãm cá nhân.
Tên triển lãm “Người Thổi Sáo” cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời thật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Với tất cả sự trân trọng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã yêu cầu người thổi sáo mù thổi một khúc nào đó mà ông ấy thích nhất. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu ấy đã thay đổi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa.
Trong các tác phẩm của mình, ông Thiều cho thấy nhiều tưởng tượng khác nhau về cây sáo. Có tác phẩm, cây sáo của ông có tỷ lệ giống như nó vẫn vậy trong đời sống. Ở một tác phẩm khác, chúng lại được kéo dài ra mãi và uốn cong như những thân cây. Ông cũng vẽ cây sáo cuộn tròn như những con rắn, ở một bức tranh khác, cây sáo ẩn chứa những trang viết. Dường như, qua hình ảnh cây sáo, nhà thơ-họa sỹ Nguyễn Quang Thiều đã tự mở ra nhiều khám phá và suy tưởng.
Cũng có những hình ảnh khác lặp đi lặp lại trong tranh của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đó phần lớn là những hình ảnh biểu trưng của làng quê như những bình nồi gốm, cây đàn bầu.