Người bay xuyên đêm và ngủ trong mây trắng

Bài thơ Thơ tặng Thủ tướng của người lính già của nhà văn Trương Nguyên Việt (tức Châu La Việt, Triệu Phong), theo tôi, là một bài thơ rất thời sự. Cũng không có gì phải rào đón cả, vì như Đại thi hào Đức W. Goethe (Gơt) đã minh định: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”.

Thơ tặng Thủ tướng của người lính già

                                                              TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT  

Ngược xuôi những chuyến bay

Sáng Hà Nội Chính phủ, tối phương Nam xa lắc

Nơi điểm nóng là nơi ông có mặt

Như người lính đứng ngay nơi tuyến đầu!

 

Nona Covac chưa cấp phép vì đâu?

Ông đến cùng chiến hào - nơi người sản xuất

“Xóa hết những thủ tục rườm rà, vì người dân trước nhất

Ai ngăn cản xin đứng ra một bên!”

 

Ông cầm tay bà con, thương yêu  những nghèo hèn

“Cuộc chiến này không để ai bị sót

Người bán vé số, người lao động tự do, người bán hàng rong, những thân cò thân vạc

“Ngay từ tối nay phải hỗ trợ bà con”

 

Như lãnh đạo xưa, ông “Nói và Làm”

Cùng đồng chí ngay giữa nơi tâm dịch

Bắc Giang, Bắc Ninh, Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương , Long An, Tây Ninh… những chiến trường quyết liệt

Nơi dịch bùng lên, là nơi ấy có ông!

 

Tôi người cựu binh nghe ông nói, rưng rưng

 Hiểu trái tim ông, “không để ai bị sót”

Tiêm thuốc vắc xin hay cái ăn, cái mặc

“Để người dân thiếu thốn là có tội với dân”

 

Tôi người lính đã từng vượt Trường Sơn

Hiểu chiến tranh và con người - đất nước

Nên hôm nay thấy yên lòng hơn: “chống dịch như chống giặc”

Lại vượt “Trường Sơn”, Thủ tướng tới chiến trường!

 

Lại những chuyến bay nối Hà Nội - Sài Gòn

Bay xuyên đêm và ngủ trong mây trắng

Cơm hộp qua bữa mà tấm lòng trĩu nặng

Ai chưa được tiêm những mũi dự phòng?

Và cánh cò nào đứt bữa chốn mom sông?

 

Trên khóe mắt ông, một giọt lệ rơi thầm…

TP Hồ Chí Minh ,11/7/2021

a-1626657725.jpg

Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới TPHCM kiểm tra việc phòng chống COVID-19 trên địa bàn Thành phố - Ảnh: VGP

Trong mục “Tiếng nói nhà văn” (Báo Văn nghệ, Bộ mới, số 1[27], ra ngày 3-7-2021) có bài Tư duy, hành động và niềm cảm hứng của nhà văn Vũ Đảm viết về nhiệm kỳ mới của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thủ tướng Phạm Minh Chính bước vào nhiệm kỳ mới và một thách thức vô cùng to lớn đã dựng lên trước ông: cơn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Thách thức lớn hơn cả là ông phải mang đến một tư duy mới và hành động mới. (....). Người dân đã lắng nghe ông, quan sát ông, suy nghĩ về ông và tìm thấy niềm cảm hứng nơi ông. Niềm cảm hứng đó sinh ra từ tư duy sâu sắc, hành động chính xác và từ sự chân thành. Ông đã làm được điều quan trọng nhất. Và một điều đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính lúc này đang tạo ra một điều vô cùng quan trọng cho đất nước: đó là tạo ra niềm cảm hứng. Với bất cứ con người nào, hay quốc gia nào, nếu không tìm được cảm hứng thì không bao giờ có khả năng sáng tạo và hành động đến tận cùng”.

Bài thơ Thơ tặng Thủ tướng của người lính già của nhà văn Trương Nguyên Việt (tức Châu La Việt, Triệu Phong), theo tôi, là một bài thơ rất thời sự. Cũng không có gì phải rào đón cả, vì như Đại thi hào Đức W. Goethe (Gơt) đã minh định: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Nhà văn ta hiện nay thường có cái tâm thế hay thắc thỏm làm sao để viết một tác phẩm “đỉnh cao”, “để đời”, “tác phẩm hay nhất là tác phẩm sẽ viết”,... Cũng không có gì là không đúng. Nhưng, thiết nghĩ, có vẻ như hơi huyễn tưởng, thậm chí đôi khi xa lắc xa lơ đời sống đang hiện hữu từng giờ, từng ngày nóng hôi hổi. Nếu nhà văn Vũ Đảm viết thời luận thì nhà văn Trương Nguyên Việt mượn ngôn ngữ thơ để viết về một con người bằng xương thịt, ở kề cạnh, nhưng có thể bây giờ chúng ta mới thấu hiểu, thấu cảm về một nhân vật trên chính trường – tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tôi hiểu phong cách và bút pháp của Trương Nguyên Việt trong bài thơ này, tạm gọi là, nương theo “thi pháp chân thành”. Nhà văn, qua ngôn ngữ thơ, đã nhìn gần, nhìn trực diện vào nhân vật mình ngợi ca - đó là con người của hành động, của công việc: “Ngược xuôi những chuyến bay/ Sáng Hà Nội Chính phủ, tối phương Nam xa lắc/ Nơi điểm nóng là nơi ông có mặt/ Như người lính ngay nơi tuyến đầu”. Nếu theo dõi truyền thông Nhà nước thì thấy những câu thơ mở đầu như những thước phim thời sự, cập thời vũ và mãn nhãn. Những địa danh được đưa vào thơ chính là dấu ấn của những chuyến đi xuyên thời gian và không gian của vị tân Thủ tướng trong một bầu không khí “chống dịch như chống giặc” đặc biệt. Một con người nói và làm: “Như lãnh đạo xưa, ông “Nói và Làm”/ Cùng đồng chí ngay giữa nơi tâm dịch/ Bắc Giang, Bắc Ninh, Sài Gòn, Long An, Tây Ninh... những chiến trường quyết liệt/Nơi dịch bùng lên là nơi ấy có ông”. Một con người hành động quyết liệt, tất nhiên.

Nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời cũng là con người kiên định lập trường “dĩ công vi thượng”, chính nhờ phẩm chất này mà những đảng viên ưu tú nhất của Đảng đã sống mãi trong lòng Nhân dân: “Nona Covac chưa cấp phép vì đâu?/ Ông đến cùng chiến hào - nơi người sản xuất/ “Xóa hết những thủ tục rườm rà, vì người dân trước nhất/ Ai ngăn cản xin đứng ra một bên!”. Con người ý chí cao cường ấy không chỉ dùng lý trí để ứng xử trong công việc. Lý và tình, cao cả hơn là một tấm lòng yêu thương, trân quý đồng bào của mình: “Ông cầm tay bà con, thương yêu những phận hèn/ “Cuộc chiến này không để ai bị sót/Người bán vé số, người lao động tự do, người bán hàng rong, những thân cò thân vạc/ “Ngay từ tối nay phải hỗ trợ bà con”.

Giọng thơ của Trương Nguyên Việt trong bài thơ Thơ tặng Thủ tướng của người lính già có điệu nói, dân dã, đôi lúc có vẻ quê kiểng. Nhưng tôi đã biết và hiểu tác giả, người cùng thế hệ cầm bút, ông chỉ viết những gì gan ruột nhất, trong một trạng thái tình cảm chân thành nhất. Không màu mè son phấn. Tôi cũng biết tác giả là người ra Bắc vào Nam và qua biên giới nước mình vô số lần trong cuộc đời. Nên khi biết tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trong những ngày qua liên tục có những chuyến đi xuyên không gian – thời gian thì lấy làm cảm phục và chia sẻ: “Lại những chuyến bay nối Hà Nội – Sài Gòn/ Bay xuyên đêm và ngủ trong mây trắng”. Đây là những câu thơ thật là...thơ. Có vẻ như nhà văn Trương Nguyên Việt tuân thủ nguyên tắc viết: “Cái đẹp là sự giản dị”.

Câu kết bài thơ Thơ tặng Thủ tướng của người lính già khiến cho cả bài thơ đẫm chất thời sự bỗng mềm mại hẳn, tha thiết hơm, sâu lắng hơn, tạo dư ba và liên tưởng sâu xa, thú vị: “Trên khóe mắt ông, một giọt lệ rơi thầm...”.

Người ta nói, đôi khi bài thơ hay là nhờ những câu thơ hay. Bài thơ Thơ tặng Thủ tướng của người lính già, theo cảm nhận của tôi, có hai câu thơ hay nhất: “Bay xuyên đêm và ngủ trong mây trắng” (thơ đạt tới sự tinh tế, hào hoa) và “Trên khóe mắt ông, một giọt lệ rơi thầm...” (thơ đạt tới cốt chơn/ chân). Cổ nhân nói: “Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”. Đọc bài thơ Thơ tặng Thủ tướng của người lính già của Trương Nguyên Việt, riêng tôi thấy, có cả hoa, có cả nụ đấy chứ!?