Trước hết, hãy xem xét vấn đề tên gọi của thể loại. Có thể nói, không một thể loại âm nhạc nào lại có tính đa diện như nghệ thuật Ả đào. Trải theo dòng chảy của thời gian, tùy theo từng không gian văn hóa hay chức năng xã hội phối thuộc mà loại hình nghệ thuật này mang nhiều tên gọi với những ý nghĩa khác nhau. Căn cứ vào các nguồn sử liệu, có thể thống kê một số tên gọi phổ biến như sau:
Hát ả đào: Theo các nguồn sử liệu sớm nhất từ thế kỷ 11, ả đào, hay đào nương là tên gọi các nữ nhi làm nghề ca xướng. Sử liệu cũng ghi nhận những dấu ấn của họ trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Điều đó chứng tỏ nghề hát của các đào nương khi đó đã phổ biến trong xã hội. Như thế, “Ả đào” là tên gọi cổ xưa nhất của loại hình nghệ thuật này.
Hát ca trù: Xưa, ở cửa đền, cửa đình có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là Trù, là một mảnh tre ghi mức tiền ứng với giá trị mỗi thẻ, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Mỗi lần mời đào kép về làng diễn xướng, các quan viên sở tại chia nhau cầm trống chầu để điểm câu hát và tính điểm thưởng cho đào kép. Khi thấy đào kép đàn hay hát ngọt, người quan viên cầm chầu đánh dùi “cắc” vào tang trống, người quan viên giữ bó thẻ thưởng lập tức ném ngay 1 chiếc thẻ (trù) vào cái chậu thau đồng để dưới chiếu. Cứ thế, cuối buổi hát sẽ đếm số thẻ thưởng để tính tiền thù lao cho đám đào kép. Và như thế, tên gọi “Ca trù” thể hiện rõ tính thương mại của một loại hình, có nghĩa ca trù đã đạt tầm nghệ thuật cao để trở thành một giá trị hàng hóa trong đời sống xã hội xưa.
Hát cửa quyền: Đây là hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ả đào trong các nghi thức của cung đình thời phong kiến. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã ghi rõ: đời nhà Lê, hát Ả đào ở trong cung gọi là Hát cửa quyền. Triều đình cắt cử hẳn một chức quan để phụ trách phần lễ nhạc trong cung, gọi là quan Thái thường. Hát cửa quyền được dùng vào các dịp khánh tiết của hoàng cung.
Hát cửa đình: Đây là hình thức sinh hoạt Ả đào phục vụ cho nghi thức tế lễ thánh thần ở các đền hay đình làng. Hát cửa đình là một cuộc diễn xướng trang trọng với sự biểu hiện toàn diện các yếu tố ca- múa- nhạc của nghệ thuật Ả đào.
Hát nhà trò: Trong trình thức Hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi đó là “bỏ bộ”. Sử liệu ghi lại: Ả đào miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm bộ điệu người điên, người say rượu, người đi săn... Và giải thích rằng vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trò. Cách gọi này phổ biến ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, Hát nhà trò cũng là thuật ngữ xuất phát từ hình thức phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng.
Hát nhà tơ: So với các tên gọi khác của nghệ thuật Ả đào, Hát nhà tơ là một thuật ngữ ít phổ biến. Thời xưa, mỗi khi gia đình có dịp khao thưởng hay giỗ chạp, giới quan lại thường hay mời đào kép về đàn hát tại tư gia để thưởng thức nghệ thuật. Dinh quan xưa còn gọi là ty quan, ty cũng có nghĩa là tơ. Thế nên mới gọi là Hát nhà tơ- có nghĩa hình thái sinh hoạt Ả đào dành riêng cho giới quan lại. Tuy nhiên, cũng trên ý nghĩa ty là tơ thì Hát nhà tơ còn có thể được hiểu theo nghĩa khác. Theo Phạm Đình Hổ, vào đời Hồng Đức (1470 - 1497), Ty giáo phường là một thiết chế do triều đình sắp đặt để trông coi âm nhạc chốn dân gian. Và như thế, khái niệm Hát nhà tơ - Hát nhà ty rất có thể chỉ là cách “diễn nôm” phiếm chỉ loại âm nhạc của Ty giáo phường mà thôi.
Hát cô đầu: Theo Việt Nam ca trù biên khảo, chữ ả nghĩa là cô, ả đào nghĩa là cô đào. Dẫn nguồn sử liệu, các tác giả cho biết: “Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám bọn con em phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy gọi là tiền đầu. Sau người ta dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là “Cô đầu”. Như vậy, tên gọi Cô đầu chính là sự phản ánh phần nào nhu cầu “Nôm hóa” ngôn ngữ, đồng thời phản ánh một luật tục cao đẹp của giới nghề, đó là việc trọng thầy và phụng dưỡng thầy. Trong lịch sử của nghệ thuật Ả đào, có lẽ đây là tên gọi xuất hiện muộn hơn cả và được giới thị thành biết đến nhiều hơn - trước khi thể loại này biến mất khỏi đời sống xã hội vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20.
Hát ca công: Theo Vũ trung tùy bút: Cho đến cuối thời Lê, ca công là danh từ được dùng để chỉ các nghệ sĩ chốn giáo phường. Theo đó, Hát ca công hàm ý là âm nhạc Giáo phường. Như thế tên gọi này chính là sự chuyển hóa của một danh từ chỉ nghề nghiệp thành một danh từ chỉ thể loại. Điều đó đủ để chứng minh vai trò quan trọng của thể loại nhạc Ả đào trong đời sống xã hội của cả một giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, Hát ca công thời xưa là một thể loại rất phổ biến, bao trùm khắp nơi chốn, phường hội của những nhạc sĩ dân gian chuyên nghiệp. Sự phổ biến đạt đến mức người ta gọi luôn loại âm nhạc mà các nghệ sĩ thực hành bằng chính danh người nghệ sĩ. Hiện nay, tên gọi ca công vẫn được dùng phổ biến ở vùng Ninh Bình, Thanh Hóa để chỉ nhạc Ả đào.
Như vậy, các tên gọi khác nhau của nghệ thuật Ả đào được hình thành theo mấy nguyên tắc sau:
+Danh từ chỉ người nghệ sĩ thực hành âm nhạc được dùng như danh từ chỉ thể loại: Hát ả đào, Hát ca công, Hát cô đầu. Trong đó, tên gọi Hát cô đầu còn là danh từ phiếm chỉ chế độ “tiền bảo hiểm” cho đào nương lão thành.
+Tên gọi xuất phát từ địa điểm, không gian văn hóa sinh hoạt: Hát cửa quyền, Hát cửa đình và Hát nhà tơ.
+Tên gọi xuất phát từ hành động diễn xướng sân khấu: Hát nhà trò.
+Tên gọi hình thành từ danh từ chỉ phương thức chi trả thù lao nghệ thuật cho đào kép: Hát ca trù. Có thể nói, bản thân các tên gọi khác nhau của nghệ thuật Ả đào đã cho thấy đây là một thể loại âm nhạc rất đặc biệt. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, không có một thể loại nào lại mang nhiều tên gọi như vậy. Mỗi danh xưng lại hàm ý sâu xa những không gian văn hóa, những chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện khác nhau của nghệ thuật Ả đào. Chỉ mới thông qua những tên gọi đó, đã có thể tìm thấy biết bao hình ảnh chân thực và sống động của lịch sử.
Cũng nhìn vào các tên gọi của nghệ thuật Ả đào, sẽ thấy một điều đặc biệt lý thú- đó là sự tôn vinh vai trò NỮ GIỚI trong nghề. Ở đây, các tên gọi ả đào, cô đầu đều chỉ rõ danh xưng nghệ thuật của người nữ nghệ sĩ (đào nương). Việc lấy danh xưng của nghệ sĩ nói chung, và đặc biệt nữ nghệ sĩ nói riêng để đặt làm tên gọi cho thể loại quả là điều độc nhất vô nhị trong thiên hạ! Theo thần tích tổ nghề, Thanh Xà Đại Vương và Bạch Hoa Công chúa là vợ chồng. Chồng đàn vợ hát, thế nhưng tương truyền, 2 bài Non Mai và Hồng Hạnh, là 2 bài ca mà đào kép chỉ được dùng để hát trong lễ tế tổ nghề lại do bà tổ sáng tác. Sự “gán vai trò nhà soạn nhạc” cho bà tổ hẳn ẩn chứa sự tôn vinh vai trò nữ giới trong nghệ thuật Ả đào. Có thể đó là sự thật, thể hiện tài năng sáng tạo của phụ nữ Đại Việt một thủa. Nhưng mặt khác, cũng có thể đó đơn thuần là sự đề cao vai trò nữ giới (mẫu hệ- vốn là tín ngưỡng bản địa của người Việt), như một sự phản kháng lại lại giáo lý phụ quyền với thói trọng nam khinh nữ trong đạo đức Nho giáo.
Trong luật tục tiền đầu phụng dưỡng thầy, sẽ thấy sự yêu thương đùm bọc của phường hội với người đào nương. Dưới chế độ phong kiến theo Nho giáo trọng nam khinh nữ, đặc biệt với sự miệt thị “xướng ca vô loài”, thử xem các đào nương, ai sẽ lấy họ và họ sẽ lấy ai??? Có thể thấy rõ “hạnh phúc gia đình” của một ả đào thật mong manh! Hẳn thế mà giáo phường đã đặt định ra tục tiền đầu như một chế độ bảo hiểm sơ khai để đảm bảo cuộc sống của người đào nương trong xã hội phong kiến. Bên cạnh sự tôn vinh vai trò người THẦY, sẽ thấy được tính nhân văn cao cả, tính kết cấu cộng đồng bền vững trong phạm vi giáo phường, để một cô gái có thể yên tâm theo nghề. Mặt khác, sẽ thấy ai càng có nhiều học trò thì số tiền đầu mà họ được hưởng tất sẽ nhân lên theo thời gian. Điều đó như một sự khuyến khích động thái lưu truyền vốn liếng tài năng của từng cá nhân, đảm bảo sự duy trì nghiệp tổ trong xã hội phong kiến.