Đối với những người bình thường, thu nhập không quá cao và vẫn đang học cách tiết kiệm tiền mỗi ngày như tôi, tôi nghĩ rằng có 3 kiểu tiêu dùng cần đặc biệt cảnh giác và tránh xa.
1. Chi tiền cho những dịch vụ giải trí online
Ngày nay, hầu hết tất cả các nền tảng đều tung ra nhiều gói dịch vụ thành viên với các mức giá khác nhau, tùy theo thời gian đăng ký.
Nhiều người sẽ ghi danh, chi tiền đăng ký một cách bốc đồng và nghĩ rằng: “Giải trí chính đáng mà” hoặc “Kiểu gì cũng có lúc cần thôi”.
Tôi đã từng đăng ký thẻ tập thể dục theo năm, là thành viên hạng Vàng của các ứng dụng nghe nhạc, xem phim... Nhưng sau này, tôi phát hiện ra rằng thôi thậm chí không đến phòng tập hàng tuần, không có thời gian xem phim mỗi tối và cũng chẳng mấy khi nghe nhạc.
Vậy nhưng tôi vẫn tốn tiền triệu cho những thứ tưởng chừng là nhu cầu chính đáng ấy. Đây hoàn toàn là hành vi tiêu dùng không khôn ngoan, tôi không thể ngụy biện cho sự mù quáng này của bản thân.
2. Chạy theo những xu hướng “giả tinh tế”
"Giả tinh tế" là gì? Đó là việc tiêu dùng mà thoạt nhìn, có vẻ rất thời thượng, tươm tất nhưng thực chất lại không cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Những khoản tiêu dùng này tưởng chừng có thể giúp người ta sang trọng, thời thượng hơn, nhưng thực tế, những cái gọi là “trải nghiệm cao cấp” này không hề cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn khiến ví tiền ngày càng trở nên móp mép.
Tôi nghĩ rằng sự tinh tế thực sự không nằm việc bữa ăn trông sang trọng thế nào, cũng không nằm ở vẻ hào nhoáng của những nơi mà bạn tới, hay độ đắt tiền của những món đồ mà bạn mua về. Sự tinh tế thực sự mà nằm ở việc xây dựng hạnh phúc bền vững từ nguồn lực có hạn.
Ví dụ như việc tôi quyết định pha trà và nướng bánh mì tại nhà, để vừa có thể chăm sóc, nuông chiều bản thân; vừa tiết kiệm tiền. Tôi tự hỏi tại sao mình phải bỏ tiền triệu ra để tới những quán trà bánh đắt tiền, và thưởng trà ăn bánh, khi mình chưa đủ dư dả để sống sang chảnh như vậy?
3. So sánh mức tiêu dùng của bản thân với người khác
Chúng ta thường cảm thấy mình bị “tụt hậu” khi thấy bản thân không mua những món đồ đang hot trên mạng; không tham gia, không thử nghiệm những dịch vụ, sản phẩm mới mà cả ngàn người đang hào hứng chạy theo.
Kết quả, chúng ta không những không hạnh phúc hơn, mà còn sa sút tinh thần, vì rơi vào vòng xoáy tự phán xét, tự chì chiết bản thân.
Trước đây, tôi luôn cảm thấy ghen tị khi nhìn bạn bè đeo những chiếc túi hiệu, hay khi thấy họ đăng ảnh đi du lịch, nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao, còn mình thì đang chầy chật với cả đống deadline ở góc văn phòng nhỏ.
Hậu quả, tôi lao vào shopping online để tự an ủi bản thân - một phương pháp giải tỏa căng thẳng chỉ có tác dụng trong vài tiếng đồng hồ, nhưng lại để lại hệ quả là những khoản nợ tín dụng trả 3 tháng chưa xong.
So sánh mình với người khác, dù trên phương diện nào đi chăng nữa, cũng là một hành vi gây tốn thời gian, sức lực một cách vô nghĩa.